Bí thư chi bộ tận tụy, gương mẫu ở bản HMông

16:45 22-07-2019 | :1484

Laocaitv.vn - Kin Sáng Hồ là thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, đời sống kinh tế, xã hội của người dân còn nghèo nàn, lạc hậu. Là người địa phương, ông Má A Páo, Bí thư Chi bộ thôn Kin Sáng Hồ hiểu rằng, để thay đổi tập quán canh tác, suy nghĩ của bà con trong một sớm, một chiều là không thể, bởi vậy ông tâm niệm mình phải là người đi đầu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trước, nếu hiệu quả thì bà con sẽ tự động học tập và làm theo.

Năm 2015, ông Má A Páo, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Kin Sáng Hồ đã mạnh dạn đưa giống lợn đen bản địa về nuôi, mở hướng phát triển kinh tế mới và đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch tả lợn châu Phi đã gây ảnh hưởng lớn tới chăn nuôi lợn. Bởi vậy, ông chỉ tập trung vào chăn nuôi giống gà ta. Hết lứa này lại đến lứa khác, nhà ông Páo lúc nào cũng có hơn trăm con gà thịt, với giá bán từ 130 - 140 nghìn đồng/kg, mỗi lứa gà cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu vài chục triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Páo cũng là người đầu tiên trong thôn trồng cỏ voi, xây chuồng trại và đưa mô hình nuôi trâu sinh sản vào phát triển kinh tế gia đình. Ông Má A Páo, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Kin Sáng Hồ, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát chia sẻ: "Nuôi trâu, ngựa thì gia đình tôi nuôi lâu rồi, nhưng trước chỉ làm sức kéo thôi, giờ thì gia đình tôi nuôi trâu sinh sản, mỗi năm 1 lứa, nuôi 2 - 3 năm có thể xuất bán, mỗi con cũng được mấy chục triệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cuộc sống ổn định".

Mỗi lứa gà cũng mang về cho gia đình ông nguồn thu vài chục triệu đồng

Thấy được cách chuyển đổi phát triển kinh tế của gia đình đã mang lại hiệu quả, ông Má A Páo đã tạo ra một mô hình trực quan sinh động để đồng bào trong thôn được mắt thấy, tai nghe, từ đó thay đổi nếp nghĩ và tập quán canh tác lạc hậu, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để xóa đói giảm nghèo. Chị Thào Thị Sú, Thôn Kin Sáng Hồ, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát cho biết: "Ông Má A Páo trước đây cũng là cán bộ xã nên rất được lòng dân, ông tuyên truyền, vận động gì chúng tôi cũng chấp hành làm theo, đặc biệt là trong phát triển kinh tế gia đình tôi cũng học hỏi được ông rất nhiều. Gia đình tôi giờ vừa nấu rượu, vừa chăn nuôi nên kinh tế gia đình cũng ổn định, chứ cứ trông chờ vào làm ruộng, nương như trước thì khó khăn lắm".  

Từ năm 2017 đến nay, Kin Sáng Hồ không còn trường hợp nào tảo hôn, trở thành thôn tiêu biểu của xã Pa Cheo

Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, ông Má A Páo cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người bí thư chi bộ, trưởng thôn. Ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động và là người có uy tín đối với cộng đồng dân cư, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế xã hội của huyện, của xã đều được ông tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến bà con. Đặc biệt trong công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ông Má A Páo là một trong những nhân tố tích cực góp phần đẩy lùi tình trạng này. Từ năm 2017 đến nay, Kin Sáng Hồ không còn trường hợp nào tảo hôn, trở thành thôn tiêu biểu của xã Pa Cheo. Ông Lê Đức Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo, huyện Bát Xát cho biết: "Xã Pa Cheo có 8 thôn, trong đó thôn Kin Sáng Hồ là một trong những thôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với bà con thôn, bản. Để có được kết quả đó là nhờ có đồng chí Má A Páo, Bí thư chi bộ thôn là một người rất năng động, nhiệt tình, dám nghĩ và dám làm, luôn đi đầu để bà con học tập và làm theo, nhất là trong việc phát triển kinh tế gia đình, thôn xóm. Bên cạnh đó thì đồng chí cũng rất tích cực tuyên truyền, thực hiện hiệu quả các phong tục tập quán lạc hậu như: Đám cưới, đám ma của người HMông, nhất là vấn đề tạo hôn và hôn nhân cận huyết thống". 

Với những đóng góp tích cực cho sự phát triển của thôn Kin Sáng Hồ, ông Má A Páo thực sự là tấm gương mẫu mực, là người uy tín trong cộng đồng dân tộc HMông. Đây là nhân tố tích cực cần được nhân rộng  trong mỗi cộng đồng thôn, bản, thúc đẩy nỗ lực đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động của người dân trong phát triển kinh tế và cải tạo những tập tục lạc hậu, vốn là rào cản đối với sự phát triển của những địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Vân Anh – Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết