Để lãng phí không chồng lên lãng phí

10:56 15-03-2019 | :618

Laocaitv.vn - Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Lào Cai hiện có 1.028 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó 339 công trình hoạt động bền vững, 411 công trình hoạt động ở mức trung bình, có tới 221 công trình hoạt động kém hiệu quả và 57 công trình không hoạt động. Điều đáng nói là những công trình đầu tư tiền tỷ, song lại không hoạt động được, thậm chí là bỏ hoang không sử dụng, người dân vẫn phải dùng nguồn nước thiếu vệ sinh. Các công trình nước sạch được đầu tư sẽ còn lãng phí, nếu những vấn đề trên không được quan tâm đúng mức.

Hiện tỉnh Lào Cai có 57 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn không hoạt động

Trong tổng số 1.028 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn thì hiện chỉ có 143 công trình thu được tiền sử dụng nước, chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 13,9%, còn lại 885 công trình không thu đủ hoặc không thu được tiền sử dụng nước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nước thường xuyên bị thiếu, không đảm bảo vệ sinh, thậm chí là không hoạt động. Điển hình như Dự án cấp nước sinh hoạt thôn Đất Đèn, Tát 2, Sơn Cánh, xã Cam Đường, TP Lào Cai, do UBND xã Cam Đường làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư được quyết toán 2 tỷ 881 triệu đồng. Tháng 4/2015 công trình được đưa vào sử dụng, nguồn I thôn Đất Đèn, Tát 2, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì công trình thiếu nước, dừng hoạt động. Tương tự, được đưa vào sử dụng tháng 10/2015, nguồn nước của thôn Sơn Cánh cũng cạn kiệt và “đắp chiếu” từ đó đến nay. Từ khi công trình đang xây dựng, người dân đã phản ánh về chất lượng nguồn nước và lưu lượng nước trong năm sẽ không đủ đáp ứng cho việc xây dựng công trình nước sạch, vậy nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công đã bỏ qua những ý kiến này và tiếp tục hoàn thành công trình. 

Đập lấy nước về bể lắng, cỏ mọc hoang và lấp đầy bùn đất

Kết luận thanh tra số 02/KL-TT ngày 10/5/2018 của Thanh tra tỉnh Lào Cai đã chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại trong việc đầu tư xây dựng dự án trên. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, UBND xã Cam Đường và Trưởng Ban quản lý dự án là Chủ tịch xã Cam Đường giai đoạn 2011 - 2015. Dự án cấp nước sinh hoạt thôn Đất Đèn, Tát 2, Sơn Cánh, xã Cam Đường xây xong rồi “đắp chiếu” là do xác định điểm đầu tư, chọn nguồn nước, quy mô đầu tư, giải pháp xây dựng không phù hợp, chưa tham khảo ý kiến của nhân dân khi chọn địa điểm đầu tư dẫn đến việc đầu tư xong công trình không phát huy hiệu quả. Sau khi có kết luận thanh tra về những sai phạm của công trình cấp nước sinh hoạt thôn Đất Đèn, Tát 2, Sơn Cánh, xã Cam Đường, phương án được đưa ra là tháo dỡ các linh kiện còn sử dụng được để sử dụng cho các công trình nước sạch khác của thành phố Lào Cai. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phương án khắc phục tạm thời, lãng phí của các công trình này là không thể phủ nhận.

Tương tự, công trình cấp nước sinh hoạt tại thôn Thủy Điện và thôn Nậm Sưu, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng có tổng kinh phí xây dựng là 2 tỷ 263 triệu đồng được UBND huyện Bảo Thắng phê duyệt đầu tư ngày 18/12/2014 dù chưa vận hành song phải ngừng hoạt động. Trong đó, nguyên nhân khảo sát nguồn nước, kỹ thuật lắp đặt và chất lượng công trình không bảo đảm. Hiện người dân nơi đây vẫn phải dùng nước khe suối hoặc giếng đào không đảm bảo vệ sinh. Anh Sùng Seo Dì, Thôn Thủy Điện, xã Bản Phiệt chia sẻ: "Nhà nước đầu tư 2 tỷ đồng vào dự án không dùng được như vậy là quá lãng phí".

Công trình nước sinh hoạt nông thôn xã Bản Phiệt

Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bảo Thắng đang thuê đơn vị thi công khắc phục các vấn đề về kỹ thuật để có thể đưa vào hoạt động công trình nước sinh hoạt nông thôn trên. Hy vọng trong thời gian tới người dân thôn Nậm Sưu và thôn Thủy Điện sớm được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Lào Cai thì nguyên nhân dẫn đến các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động là do phần lớn công trình được xây dựng từ lâu, nên việc khảo sát, thiết kế chưa tính đến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm giảm lưu lượng, dẫn đến công trình thiếu nguồn nước vào mùa khô. Bên cạnh đó, do công tác quản lý, khai thác sử dụng của cộng đồng thôn, bản không chặt chẽ, những hư hỏng nhỏ không kịp thời sửa chữa dẫn đến công trình xuống cấp.

Hiện tại, người dân đang rất quan tâm đến vấn đề khắc phục các công trình này như thế nào để sớm được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, vì đó là nhu cầu thiết yếu nhất của cuộc sống. Mong rằng các công trình nước sinh hoạt nông thôn được đầu tư tiếp theo cần coi trọng, tham vấn ý kiến nhân dân để tránh tình trạng lãng phí chồng lên lãng phí.

Đức Tính


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết