Giáo dục hướng nghiệp còn gặp nhiều khó khăn

10:12 26-10-2020 | :1536

Laocaitv.vn - Hiện nay, tình trạng thanh niên người dân tộc thiểu số thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp đang khá phổ biến. Một trong những nguyên nhân được xác định bởi họ chưa nhận được những tư vấn, hỗ trợ kịp thời ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dẫn đến thiếu tự tin để khởi nghiệp.

Sinh năm 1986, do nhà nghèo nên mới học đến lớp 3, Tẩn Thị Su buộc phải bỏ học cùng chị gái đi bán hàng thổ cẩm giúp đỡ gia đình. Thời gian qua đi, giờ đây Tẩn Thị Su đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội du lịch Sa Pa O’Chau, được nhiều đơn vị truyền thông trong và ngoài nước nhắc đến về nghị lực vượt khó, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ thanh niên vùng cao khởi nghiệp.

Đến nay, Tẩn Thị Su đã giúp được trên 200 học sinh là đồng bào dân tộc học nghề và có việc làm. Năm 2016, Tẩn Thị Su được tờ tạp chí nổi tiếng Forbes tôn vinh là một trong 30 gương mặt trẻ Việt Nam nổi bật dưới 30 tuổi. Năm 2017, chị tiếp tục vinh dự được Trung ương Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của lần thứ XII, trở thành nhân vật điển hình để tuổi trẻ vùng cao học tập.  

Theo chị Tẩn Thị Su, những thanh niên dân tộc thiểu số khi khởi nghiệp họ rất rụt rè, thứ nhất là vì họ nghĩ mình không có đủ vốn; thứ hai là họ chưa nhận ra tiềm năng tại địa phương để phát triển. Một cản trở nữa là từ phía gia đình, nhiều gia đình không ủng hộ nên họ cảm thấy không tự tin trong khởi nghiệp, lập nghiệp.

Tẩn Thị Su cho rằng, thanh niên dân tộc thiểu số khi khởi nghiệp còn thiếu tự tin. (Ảnh: Tẩn Thị Su phát biểu tại buổi hội thảo về việc tăng cường tiếp cận cơ hội sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số diễn ra hồi tháng 9/2020)

Thiếu tự tin để khởi nghiệp, đó là đặc điểm chung trong thanh niên người dân tộc thiểu số, mà một trong những nguyên nhân chính là do hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông còn nhiều hạn chế. Trên cả hai phương pháp điều tra định tính và định lượng của một tổ chức tư vấn độc lập, trong quá trình khảo sát để triển khai dự án AEA tại ba địa phương là thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bắc Hà cho thấy, chỉ có khoảng 30% học sinh được hỏi cảm thấy hài lòng về hoạt động giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Quá trình xây dựng đề án về giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS và THPT giai đoạn 2019 – 2025 và kế hoạch phân luồng số 63 giai đoạn 2018 – 2025, Sở Giáo dục đào tạo Lào Cai cũng đã khảo sát, nhận rõ những khó khăn trong công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

“Khó khăn thứ nhất là tài liệu giáo dục hướng nghiệp hiện nay trong các trường THCS và THPT đã xuất bản từ lâu, chưa được cập nhật nội dung mới, chưa thực sự phù hợp với các địa phương; thứ hai là đội ngũ cán bộ làm công tác hướng nghiệp chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được tập huấn một cách bài bản về công tác hướng nghiệp", ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết.

Khó khăn không có nghĩa không thể vượt qua, nhất là khi đã chủ động tìm hiểu, nhận rõ những tồn tại hạn chế, cùng với những tác động từ dự án của tổ chức phi chính phủ AEA và Trung tâm hợp tác phát triển Tây Bắc đang được triển khai, hy vọng thời gian tới đây, hoạt động hướng nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Lào Cai sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tạo nền tảng giúp thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số thêm tự tin khi bước vào khởi nghiệp.

 Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết