Laocaitv.vn - Nhờ vào những nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, đã có hàng chục nghìn hộ là người dân tộc thiểu số của tỉnh có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững. Phóng sự được thực hiện tại huyện vùng cao Si Ma Cai.
Đàn trâu 5 con của gia đình anh Sùng Seo Chùa, tổ dân phố Dìn Phàng, thị trấn Si Ma Cai hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt. 2 năm trước, với số vốn vay ưu đãi 70 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh mua 2 con trâu về nuôi sinh sản; một phần vốn đầu tư mở cửa hàng sửa chữa xe máy. "Lấy ngắn nuôi dài", gia đình anh Chùa đã có cuộc sống ổn định. "Thu nhập bình quân của cửa hàng trừ hết chi phí cũng lãi được từ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Trâu sinh sản, gia đình đã nhân đàn được 5 con. Nếu bán hết trâu, gia đình cũng đủ tiền để trả hết nợ cho ngân hàng, lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng. Trong thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục vay để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh", anh Sùng Seo Chùa, tổ dân phố Dìn Phàng, thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai cho biết.
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Si Ma Cai tích cực hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Hiện, có gần 4.800 hộ người dân tộc thiểu số ở Si Ma Cai được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo 15 chương trình tín dụng, với tổng nguồn vốn trên 300 tỷ đồng. Vốn vay chủ yếu qua sự ủy thác của 4 tổ chức hội, đoàn thể, giúp người vay sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng để toàn huyện có trên 3.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. "Hiện tại, Huyện đoàn Si Ma Cai đang quản lý nguồn vốn với tổng dư nợ là hơn 86 tỷ đồng, cho trên 1.400 hộ vay, tại 37 tổ tiết kiệm và vay vốn. Trong thời gian qua, nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết thực và trở thành nguồn động lực và là cơ sở hỗ trợ cho đoàn viên, thanh niên được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế", anh Phạm Đức Minh, Bí thư Huyện đoàn Si Ma Cai cho hay.
Ông Dương Đức Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Si Ma Cai nói: "Ngân hàng sẽ tích cực tham mưu để huyện tiếp tục chuyển các nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang để ủy thác cho ngân hàng để cho vay. Thứ hai, là tập trung kiến nghị để xin thêm các nguồn vốn, phù hợp để cho vay như nguồn vốn tạo việc làm, nguồn vốn này sẽ đáp ứng được nhu cầu vay vốn của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã vùng I và thị trấn".
Kịp thời hỗ trợ người dân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn huy động được 6,6 tỷ đồng nhàn rỗi trong dân, chủ động tạo ra nguồn vốn tại chỗ. Đồng thời, tạo thói quen tiết kiệm cho đồng bào thông qua các khoản thu nhập để trả lãi, trả nợ hoặc chi tiêu hàng ngày.
Ngọc Minh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết