Khánh Yên Thượng: Nỗi lo việc làm cho sinh viên ra trường

15:28 06-09-2017 | :528

Chuyện sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm không phải là mới, nhưng hàng năm, vấn đề này lại luôn là chủ đề nóng của xã hội. Bài toán “việc làm cho sinh viên ra trường” vẫn là bài toán khó, hiện nay vẫn chưa có lời giải đáp. Phản ánh của phóng viên tại xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn nơi có đông sinh viên ra trường hiện đang không có việc làm hay phải làm trái với ngành nghề mình được đào tạo.

Mặc dù đang là thời gian các trường phổ thông trên địa bàn huyện đã bước vào học được hơn 2 tuần, nhưng cô giáo trẻ Vi Thị Hồng Tuyên vẫn phải ở nhà để phụ giúp gia đình lên nương, hoặc đi làm thêm những việc phụ khác để kiếm thêm thu nhập. Không phải cô giáo trẻ không muốn lên lớp, đến trường để gặp những học trò thân yêu của mình, mà cô đang đợi… Đợi hợp đồng giảng dạy của mình được tiếp tục ký. Khoảng thời gian này, Tuyên vui đùa, mình chờ đợi, hồi hộp còn hơn là lúc đợi tin đỗ đại học. Tốt nghiệp trường đại học Tây Bắc, khoa sư phạm Hóa –Sinh với tấm bằng loại khá, nhưng con đường để đến trường, đứng lớp, được truyền thụ những kiến thức mình đã được học với Tuyên khá gian nan và vất vả. Nếu năm học này, nhà trường không ký tiếp hợp đồng giảng dạy, Tuyên sẽ dự định chuyển sang một nghề khác, tiếp tục chờ đợi, nuôi dưỡng ước mơ được đứng trên bục giảng của mình.

Ở một trường hợp khác, cô gái trẻ Chu Thị Điệp, đã tốt nghiệp khoa tiểu học của trường cao đẳng sư phạm Lào Cai lại chưa một lần được đứng lớp. Tốt nghiệp đã hơn 2 năm, nghe chỗ nào có thông báo tuyển dụng giáo viên, Điệp đều hăm hở nộp đơn xin việc. Bấy nhiêu lần nộp đơn nhưng cũng có từng đó lần nỗi thất vọng lại đến với Điệp, sau dần, cô gái trẻ thôi không nộp đơn đi xin việc nữa, mà quyết định ở nhà mở cửa hàng buôn bán kinh doanh.

Trường hợp như Vi Thị Hồng Tuyên và Chu Thị Điệp không phải là chuyện hiếm ở xã Khánh Yên Thượng. Theo thống kê của UBND xã, trên địa bàn có hơn 70 trường hợp học sinh, sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, các trường chuyên nghiệp về địa phương không tìm được việc làm, hầu hết các em đều đi làm trái ngành, trái nghề mình đã học, nhiều trường hợp ra trường không có việc làm, đặc biệt, có nhiều em đã xin vào làm công nhân ở một số công ty trên địa bàn. Đây cũng chính là vấn đề bức xúc, được nhiều bà con nhân dân trên địa bàn xã đưa ra ở các cuộc họp thôn, bản, các cuộc tiếp xúc cử tri. Việc “thừa thầy, thiếu thợ” trong thời gian qua, không chỉ làm thất thoát nguồn nhân lực của xã hội, mà còn gây lãng phí thời gian, tiền bạc của gia đình và người học. Theo ông Nguyễn Văn Hạnh –chủ tịch UBND xã: “để giải quyết bài toán khó này, trong thời gian qua về phía chính quyền xã, bằng nhiều hình thức xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề và dạy nghề cho thanh niên ở độ tuổi lao động bám sát nhu cầu thực tế địa phương. Thay đổi tư duy “ đại học không phải là con đường lập nghiệp duy nhất”. Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chính sách hỗ trợ người lao động sau đào tạo nghề và có tay nghề được vay vốn, tạo việc làm phát triển kinh tế”.

Với tinh thần hiếu học và mong muốn cái chữ sẽ giúp thoát nghèo, nhiều hộ gia đình không riêng ở Khánh Yên Thượng mà trên địa bàn toàn tỉnh dù khó khăn vẫn cố gắng tạo điều kiện cho con cái được học hành. Tuy nhiên con đường tương lai vẫn rất mịt mù, khi con em họ, cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, vẫn ngược xuôi làm những công việc trái với ngành nghề mình được học.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết