Lào Cai quan tâm nâng cao thể lực, tầm vóc cho thế hệ tương lai

15:43 12-11-2019 | :694

Laocaitv.vn - Đề án “Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam tại Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020” và những năm tiếp theo đang được tỉnh Lào Cai ưu tiên thực hiện ngay từ những thế hệ măng non - chủ nhân tương lai của đất nước. Thông qua đó nhằm nâng cao chất lượng giống nòi, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Ngành y tế đẩy mạnh các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Thời gian qua, các hoạt động thực hiện Đề án 641 của Chính phủ về Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện. Là đơn vị trực tiếp triển khai đề án, Sở Y tế tỉnh Lào Cai đã nghiên cứu xây dựng các chương trình, dự án và các giải pháp can thiệp đặc hiệu, góp phần cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, nâng cao thể lực và thể chất cho người dân, đặc biệt là ở trẻ em, thanh thiếu nhi ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, ngành cũng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn như: Thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm trẻ bị dị tật bẩm sinh; thực hiện tốt công tác giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; xây dựng các mô hình thực hành dinh dưỡng tại cộng đồng… Đặc biệt công tác phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để nâng cao sức khỏe, thể chất cho học sinh cũng được thực hiện hiệu quả thông qua việc duy trì hoạt động của các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên tại các trường học; triển khai mô hình quản lý lồng ghép và điều trị trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính; các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; chương trình tẩy giun cho học sinh tiểu học và trẻ em từ 25 đến 60 tháng tuổi. Cùng với đó, Sở Y tế tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020; xây dựng các mô hình “Cải thiện thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại cộng đồng”; “Quản lý, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính ở các xã có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao”; "Cung cấp sản phẩm dinh dưỡng Dvikind cho trẻ em bị suy dinh dưỡng của các huyện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số"… Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi tổ chức tập huấn để hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ từ tuyến huyện đến tuyến xã biết lập danh sách đối tượng để triển khai, lập dự trù vitamin A và thuốc thẩy giun, các mẫu biểu hướng dẫn công tác tuyên truyền. Đặc biệt ở các xã, phường, thị trấn cần có sự tham gia chỉ đạo của ban chỉ đạo tuyến cơ sở triển khai các hoạt động lồng ghép với lại những hoạt động chuyên môn khác để người dân hiểu thêm về vi chất dinh dưỡng cũng như cách chế biến, bảo quản thực phẩm để làm sao cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể".

Cần nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú của các em học sinh.

Còn đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, với đặc thù của một tỉnh vùng cao nên phần lớn các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức mô hình trường học nội trú, bán trú. Khắc phục những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, các nhà trường đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để cải thiện và nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh. Đặc biệt thực hiện mô hình trường học mới, đa số các nhà trường đã tận dụng mọi quỹ đất để tăng gia sản xuất, tạo ra nguồn thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ bữa ăn của học sinh. Cùng với đó, thực đơn các bữa ăn được thay đổi thường xuyên giúp các em ăn ngon miệng, ăn hết suất, giúp các em phát triển tốt về thể chất, có sức khỏe hoàn thành tốt chương trình giáo dục toàn diện. Thầy giáo Tạ Hoàng Phương, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học số 2 Thượng Hà, huyện Bảo Yên cho biết: "Nhà trường vận động các cháu từ lớp 3 ra trung tâm ở bán trú từ thứ 2 đến thứ 6, sau đó tuyên truyền phụ huynh học sinh tổ chức đóng góp gà, lợn giống để nuôi phục vụ tăng gia sản xuất cải thiện bữa ăn cho các cháu. Hằng ngày nhà trường lên lịch kế hoạch cùng với các thầy cô giáo, học sinh chăm sóc rau, vật nuôi để cải thiện bữa ăn bán trú".

Cùng với việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh, thì công tác giáo dục thể chất cũng là một nội dung được các trường đặc biệt quan tâm. Tại nhiều trường học vùng cao Lào Cai, các em nhỏ được rèn luyện thể chất mỗi ngày thông qua các hoạt động thể thao, các trò chơi vận động. Riêng với học sinh nội trú, bán trú còn được tăng cường thông qua việc tham gia thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với lứa tuổi. Đặc biệt các giờ học thể dục trong các nhà trường hiện đang được đổi mới theo hướng thành lập các câu lạc bộ nhằm phát huy sở thích, năng khiếu và phù hợp với thể trạng của từng học sinh. Nhờ những đổi mới trong cách dạy, cách học nên mỗi giờ học thể dục của nhà trường không còn là sự mệt mỏi, áp lực nữa mà trở nên đầy hào hứng, việc rèn luyện sức khỏe cũng vì thế mà đạt hiệu quả cao. Thầy Phạm Thanh Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Bảo Thắng cho biết: "Chúng tôi nhận thấy, với việc đổi mới hình thức dạy học thể dục thì tình trạng học sinh ốm vặt phải nghỉ trong năm học giảm đi rất nhiều. Thông qua hoạt động thể dục giúp cho các em tăng cường được thể lực, đáp ứng được việc xây dựng con người toàn diện không chỉ giỏi về kiến thức mà các em có thể chất, năng lực tham gia các hoạt động xã hội".

Giải Bóng đá Cúp PT-TH được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thiếu niên trong toàn tỉnh.

Cùng với việc chăm lo đào tạo tri thức, đạo đức thì việc phát triển thể chất cho học sinh có ý nghĩa quan trọng, bởi sức khỏe tốt là điều kiện tiên quyết để phát triển tất cả những phương diện khác của thế hệ trẻ. Vượt qua rất nhiều khó khăn, những cố gắng của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi Đề án số 641 của Chính phủ; đồng thời là tiền đề để Lào Cai có nguồn nhân lực phát triển đầy đủ cả đức, trí, thể, mỹ đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời kỳ cách mạng mới./.

Huyền Trang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết