Lớp học xóa mù chữ nơi vùng cao biên giới

14:57 05-03-2019 | :1429

Laocaitv.vn - Bát Xát là huyện cùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai với trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng. Tại các thôn bản vùng cao, vùng sâu vẫn còn những người dân chưa biết chữ, hoặc không được đến lớp học đầy đủ dẫn đến tình trạng tái mù chữ. Những năm qua, huyện Bát Xát đã huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học, đồng thời củng cố hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng để tổ chức các lớp xóa mù chữ cho người dân trên địa bàn huyện.

Các học viên đến lớp đều rất tích cực học tập

Cũng như nhiều học viên khác, anh Lầu A Vàng ở thôn Bản Pho, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát đang theo học lớp xóa mù do Trung tâm học tập cộng đồng của xã mở ra. Anh cho biết: "Khi còn nhỏ, do nhà nghèo nên không được đi học, lớn lên, mình lại là lao động chính trong gia đình, phải ở nhà làm nương giúp bố mẹ, nuôi các em nên việc được đến trường là ước mơ chưa thành hiện thực của mình". Với chủ trương của Đảng, Nhà nước về giúp dân nâng cao dân trí, đến nay khi đã gần 40 tuổi, được cầm sách vở đến trường đi học, anh Vàng rất hào hứng và chăm chỉ học tập. 

Lớp học có 23 học viên thì đa số là phụ nữ

Cô giáo Đặng Thị Thu Hiền, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở  A Mú Sung tham gia giảng dạy tại lớp học xóa mù chữ cho biết: "Các anh, chị học viên đến lớp đều rất tích cực học tập, nghiêm túc tiếp thu bài giảng và thảo luận rất sôi nổi. Đến nay đã hoàn thành chương trình lớp 2 ở mức độ 1, các học viên đã đọc thông, viết thạo, biết tính toán được cộng trừ, nhân chia".

Tại điểm Trường Tiểu học trên bản Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, cứ mỗi buổi tối, ánh đèn điện phát ra từ một lớp học xóa mù chữ, soi rõ những khuôn mặt chăm chú theo dõi bài giảng của giáo viên. Chị Phàn Mùi Sểnh, một học viên của lớp chia sẻ: "Khi còn nhỏ vì nhà nghèo quá, lại là con gái, bố mẹ không cho đi học nên không biết chữ, cũng không biết làm toán, mình muốn đi xuống chợ để mua sắm thứ gì cũng rất ngại, bây giờ được thầy cô giáo, cán bộ, chiến sỹ bộ đội Đồn biên phòng Trịnh Tường dạy viết, dạy đọc, làm toán, mình cảm thấy rất vui và biết ơn". 

Mặc dù là lao động chính, ban ngày đi làm vất vả, thế nhưng, cứ tối đến, bà con lại hăng hái học tập mở mang kiến thức

Thiếu tá Bùi Văn Nguyên, cán bộ Đồn Biên phòng Trịnh Tường cho biết: "Việc phối hợp cùng với chính quyền địa phương, nhà trường mở lớp học xóa mù chữ này cũng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của đơn vị".

Tính đến hết năm 2018, huyện Bát Xát đã mở được 69 lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ với trên 1.500 học viên tham gia học tập, tỷ lệ người 15 – 60 tuổi biết chữ trên toàn huyện hiện đã đạt 92,9%. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Sở GD&ĐT tỉnh. Sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các cấp ủy đảng, chính quyền ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn.

Việc mở các lớp học xóa mù chữ thực sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao trình độ dân trí, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó giúp người dân tự tin hơn trong cuộc sống, không bị kẻ xấu lợi dụng do không biết đọc, không biết viết. Các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mới được truyền tải đến người dân một cách đầy đủ và chính xác nhất, góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của dân với Đảng, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.          

   Phạm Thúy


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết