Laocaitv.vn - Hiện nay, vẫn còn nhiều người chủ quan không tiêm phòng dại sau khi bị chó nhà nuôi cắn. Với sự chủ quan này, không ít người đã phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng cả mạng sống của mình.
Laocaitv.vn - Hiện nay, vẫn còn nhiều người chủ quan không tiêm phòng dại sau khi bị chó nhà nuôi cắn. Với sự chủ quan này, không ít người đã phải trả giá rất đắt, thậm chí bằng cả mạng sống của mình.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngày 13/6/2019 đã có một trường hợp tử vong do bệnh dại. Đây là trường hợp tử vong do bệnh dại thứ hai trên địa bàn tỉnh Lào Cai kể từ đầu năm 2019. Nạn nhân là anh T.L.S, dân tộc Dao, trú tại thôn Lâm Sinh, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn. Bị chó nhà nuôi cắn, nhưng do chủ quan nên anh S đã không đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại dẫn đến tử vong sau 4 tháng bị cắn.
Tiêm vắc-xin để phòng bệnh dại hiệu quả cho vật nuôi. (Ảnh: Phương Thảo)
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 235 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại; 1.769 trường hợp phơi nhiễm phải tiêm vắc-xin phòng dại, trong đó, nhiều nhất là huyện Bảo Thắng với 447 người, huyện ít nhất là Bắc Hà với 64 người; có 71 trường hợp là người nghèo đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại miễn phí.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, bệnh dại xảy ra ở tất cả các tháng trong năm, song tăng cao hơn vào mùa hè, đặc biệt từ tháng 5 đến tháng 8. Thời tiết nóng, ẩm là điều kiện môi trường thuận lợi cho virus dại phát triển. Khi bị chó, mèo cắn mà chưa rõ con vật có bị bệnh dại hay không, người dân cần rửa kỹ các vết thương trong 15 phút với nước sạch và xà phòng, sau đó đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn tiêm vắc-xin phòng bệnh và huyết thanh kháng dại. Tuy nhiên, để phòng chống bệnh dại hiệu quả, người chăn nuôi chó, mèo cần thực hiện tiêm phòng dại cho vật nuôi theo đúng quy định của Luật Thú y.
Mai Huệ
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết