Laocaitv.vn - Thời tiết nóng, lạnh thất thường, trời nồm ẩm ướt là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn sinh sôi, phát triển dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây nên bệnh ở người, đặc biệt là trẻ em. Ngoài các bệnh liên quan đến đường hô hấp, từ đầu tháng 5 đến nay tỉ lệ trẻ nhập viện do virus gây nôn, tiêu chảy cấp tăng cao.
Nhập viện trong tình trạng nôn, nôn nhiều sau ăn uống và tiêu chảy, bệnh nhi Trần Minh Khang, 30 tháng tuổi được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiêu hoá do virus. Sau 2 ngày dùng thuốc và truyền nước bù điện giải, hiện sức khoẻ của bệnh nhi đang dần được cải thiện. "Ở nhà cháu nôn nhiều, cứ ăn vào là nôn, cơ thể thì mệt mỏi, không thiết chơi đùa. Từ lúc vào viện, được các bác sĩ điều trị, giờ cháu đỡ mệt hơn, nhưng vẫn kém ăn chỉ uống sữa", chị Nông Thị Nhung, mẹ bệnh nhi Trần Minh Khang cho biết thêm.
Nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện điều trị tiêu chảy cấp do virus.
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh đang chăm sóc và điều trị cho gần 50 bệnh nhi. Trong đó, 25% bệnh nhi có triệu chứng nôn và tiêu chảy cấp do virus, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy, công tác tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Nôn do tiêu chảy cấp cần thiết phải bù nước điện giải, có thể bằng đường truyền dịch nếu bệnh nhân mất nước nặng, nôn nhiều do uống, uống không hấp thu. Ngoài ra có thể dùng thêm các thuốc điều trị triệu chứng như men vi sinh, kẽm".
Thông thường ở trẻ dưới 5 tuổi, sốt, nôn là biểu hiện tiêu chảy cấp do Rota virus. Ở trẻ được tiêm phòng Rota virus, có thể do các virus khác như Norovirus, Calicivirus, Adenovirus, Covid-19. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, tuyệt đối không uống thuốc cầm nôn và tiêu chảy vì có thể gây loạn khuẩn đường ruột, giảm nhu động ruột, không đào thải được virus, vi khuẩn, khiến bệnh kéo dài và nặng thêm.
Bác sĩ Hoàng Trung Úy, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đưa ra lời khuyên cho các gia đình có con nhỏ: "Cần tăng cường các loại vi chất, ăn uống đầy đủ vitamin, thuốc bổ để tăng sức đề kháng; tuân thủ tiêm phòng định kỳ theo chương trình tiêm chủng mở rộng".
Khi bị bệnh, không nên ép trẻ ăn quá nhiều, cần chia nhỏ các bữa ăn và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, không nên kiêng khem dẫn đến chậm hồi phục niêm mạc ruột, suy dinh dưỡng ở trẻ.
Vân Anh - Việt Hòa
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết