Những phẩm chất truyền thống của nhà giáo Lào Cai

19:24 19-11-2019 | :2494

Laocaitv.vn - Do những đặc điểm của địa lí tự nhiên, của lịch sử và kinh tế xã hội, sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo Lào Cai bắt đầu từ điểm xuất phát rất thấp, trải qua nhiều giai đoạn khó khăn thử thách gay go và phức tạp. Đường lối cách mạng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo, đặc biệt là Giáo dục miền núi vùng cao, biên giới đã tạo nên sự phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu lo lớn như ngày nay.

Bằng sự nỗ lực, yêu nghề, các thế hệ nhà giáo Lào Cai đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của giáo dục tỉnh nhà. (Ảnh minh họa)

Trước 1945, toàn tỉnh Lào Cai chỉ có 1 trường tiểu học với một vài lớp và chủ yếu là học sinh ở các huyện, hầu hết người dân mù chữ, tất cả dân các xã vùng cao đều mù chữ. Ngày nay, Lào Cai có nền giáo dục phát triển mạnh mẽ. Thi THPT quốc gia năm 2019 đạt điểm bình quân xếp thứ 23 trong số 63 tỉnh, thành, duy trì thứ hạng như năm trước, thể hiện chất lượng bền vững. Có 44 học sinh THPT đạt giải học sinh giỏi quốc gia, xếp tốp đầu các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, 5 giải toàn quốc về sáng tạo kĩ thuật, 1 đề tài được chọn dự thi tại Hoa Kì đạt giải Ba, 7 học sinh xuất sắc giành học bổng Đại học tại Nhật, Úc và Hoa Kì…

Thành tựu ấy là kết quả của toàn xã hội, trong đó đội ngũ các nhà giáo đóng vai trò lực lượng nòng cốt. Các thế hệ nhà giáo đã tận tụy cống hiến trí tuệ và công sức với tâm huyết của những người đem chữ Bác Hồ đến với đồng bào các dân tộc. Quá trình phấn đấu ấy tạo nên những phẩm chất truyền thống của các nhà giáo Lào Cai. Những phẩm chất truyền thống ấy là:

Trước hết là lòng yêu người yêu nghề, yêu thương học sinh, gắn bó với đồng bào các dân tộc: Yêu nghề và chọn nghề dạy học, cũng có thể vào nghề trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi người, nhưng công việc dạy học và sự tiếp xúc với học sinh tạo nên tình cảm gắn bó nghề nghiệp. Trẻ em luôn đáng yêu, nhất là những em bé, trẻ em các dân tộc vùng cao có nét hồn nhiên chất phác ngộ nghĩnh riêng rất đáng yêu. Những thiệt thòi, thiếu thốn của trẻ em vùng cao càng nhân lên tình thương mến. Bà con các dân tộc chân tình, mộc mạc, trân trọng thầy giáo, cô giáo, tiềm ẩn những nét đẹp của văn hóa bản sắc cội nguồn, cuộc sống nhiều vất vả, thiếu thốn nhiều bề. Tình yêu thương từ bản chất nghề nghiệp và từ cội nguồn tình cảm đồng bào trong truyền thống dân tộc đã hun đúc nên tình cảm yêu quý và trân trọng học sinh, trân trọng bà con địa phương. Tình cảm ấy tạo nên chiều sâu tư tưởng và đạo lí, là nguồn cội thành công của các nhà giáo Lào Cai. Tình cảm ấy biến thành sự chăm lo, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần, cuốn hút học sinh đến trường và chuyên cần học tập.

Công việc mở lớp dựng trường, huy động học sinh và tổ chức dạy học ở địa bàn miền núi vùng cao biết bao khó khăn, gian khổ. Ngay từ ngày bắt đầu xây dựng nền giáo dục mới, các nhà giáo đầu tiên của ngành đã mang tinh thần xung phong tình nguyện của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa giáo dục. Các thế hệ nhà giáo từ miền xuôi tình nguyện đem chữ Bác Hồ lên vùng cao đinh ninh ghi nhớ lời dạy của Người: “Đã xung phong là phải xung phong đến nơi đến chốn”. Những người được điều động lên Lào Cai hăng hái lên đường nhận nhiệm vụ. Những người con của đồng bào các dân tộc quê hương Lào Cai trong những ngày còn gian khó dám xa nhà vượt khó học hành, vượt khó làm thầy giáo. Các nhà giáo là lực lượng cắm đến tận thôn bản, ở vùng cao lâu nhất, sâu sát với dân thường xuyên nhất. Phải vượt qua đèo dốc, nắng mưa giá rét, chấp nhận khó khăn thiếu thốn về vật chất, vượt qua khó khăn về tập tục lạc hậu, về ngôn ngữ, phải miệt mài tỉ mỉ dìu dắt học sinh, trân trọng từng nét tiến bộ của học trò. Tình cảm nghề nghiệp và lòng yêu thương đã biến thành nghị lực vượt khó và tận tụy vì học sinh. Có những nhà giáo hi sinh trong kháng chiến chống Pháp và tiễu phỉ. Có thầy cô trên đường đến trường bị lũ cuốn trôi. Hàng chục nghìn thầy cô dành cả tuổi thanh xuân gắn bó với học sinh các dân tộc vùng cao. Đức hi sinh, nghị lực vượt khó và tận tụy với nghề thể hiện một cách bền bỉ thầm lặng.

Thực tiễn miền núi vùng cao vô cùng khó khăn, đa dạng, phức tạp. Sự khác biệt diễn ra từng vùng, từng thôn bản và từng nhóm đối tượng người học, thậm chí từng học sinh. Không thể rập khuôn áp dụng chương trình phương pháp chung của cả nước. Phương pháp sư phạm được đào tạo và chỉ đạo chỉ là định hướng nghĩ suy. Từng thầy cô đã tự tìm ra cách thức của mình để đến với dân, vận động thuyết phục và tìm gọi học trò. Tự tìm cách để dạy nói dạy viết, dạy tính toán, dạy cả những điều về đời sống sinh hoạt hàng ngày. Dạy học vốn là nghề sáng tạo, nhưng với địa bàn và học sinh miền núi vùng cao có nhiều khác biệt thì tình huống sư phạm đa dạng hơn, phức tạp hơn, từ đó tạo nên tinh thần sáng tạo thường xuyên, trở thành phẩm chất truyền thống. Nghị lực vượt khó và tinh thần sáng tạo hun đúc lòng ham học để vượt lên tự khẳng định mình và vì sự tiến bộ của học sinh. Khó khăn thiệt thòi về điều kiện học tập nhưng các nhà giáo Lào Cai ham học hỏi đã vượt lên để nâng cao trình độ kiến thức và nghiệp vụ, nhiều người trở thành nòng cốt chuyên môn vững vàng, từ đó rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục với vùng phát triển.

Thầy giáo, cô giáo là người giúp việc và hỗ trợ quan trọng cho cán bộ Đảng và chính quyền cơ sở, nhất là ở vùng cao. Khó khăn nhiều bề, các nhà giáo biết dựa vào cán bộ cơ sở, dựa vào dân. Tham mưu và đề xuất hợp lí nên được cấp ủy và chính quyền cơ sở tin tưởng, dân vận khéo nên được dân mến. Cư xử chân thành, đồng cam cộng khổ với dân, cùng dân chia ngọt sẻ bùi, nên tạo được tình cảm lâu bền. Thầy giáo cô giáo được nhân dân quý mến, tạo niềm tin để dân đưa con em đến lớp chuyên cần. Những phẩm chất truyền thống vừa nêu là thang giá trị làm nên uy tín của nhà giáo Lào Cai.

Chia sẻ, cùng vượt qua những khó khăn thử thách với học sinh. (Ảnh minh họa)

Nhà giáo Lào Cai có tinh thần sáng tạo để giải quyết các tình huống đa dạng của thực tiễn vùng cao, nhưng sự sáng tạo ấy chưa được đúc kết đầy đủ, có hệ thống thành những luận cứ khoa học giáo dục để nhân rộng, phát huy lâu dài và phát triển bổ sung.

Từ điểm xuất phát rất thấp, đạt đến những kết quả trong từng thời kì và thành tựu như ngày nay là rất đáng tự hào. Nhưng những hạn hẹp khó tránh khỏi của thực tiễn miền núi nên sự phấn khởi dễ mang tâm lí thỏa mãn, đồng thời lúng túng trong việc định hướng những bước tiếp theo phù hợp với đặc thù miền núi và đáp ứng những yêu cầu chung của đất nước trong giai đoạn mới.

Những tác động của mặt trái xã hội và những khó khăn về đời sống tạo sự phân tán tư tưởng với mức độ nhất định trong các nhà giáo.

Tuy nhiên, những phẩm chất truyền thống được hình thành từ các thế hệ nhà giáo, được thử thách trong thực tiễn gắn với những giai đoạn có nhiều thử thách, các nhà giáo Lào Cai đã và đang tiếp tục phát huy, vượt qua khó khăn thử thách mới, tạo nên những thành tựu to lớn, được Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân các dân tộc tin tưởng và đánh giá cao.

Với những phẩm chất truyền thống ấy, các nhà giáo Lào Cai đã và đang nỗ lực bước vào giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện, vì sự tiến bộ của học sinh các dân tộc, đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc hiện đại hóa quê hương đất nước.

Cao Văn Tư


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết