Nỗ lực giảm tác động của thay đổi chính sách đối với giáo dục vùng cao

07:40 15-10-2021 | :224

Laocaitv.vn - Nghị quyết 861 của Chính phủ có hiệu lực, số xã thuộc khu vực III và thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn giảm, điều này có tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chính sách đối với trường học, người dạy, người học thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi như Lào Cai. Trước những tác động này, ngành Giáo dục - đào tạo và các địa phương đã có nhiều giải pháp để đảm bảo công tác dạy và học.

Pha Long nỗ lực duy trì tỷ lệ chuyên cần.

Mặc dù những ngày vừa qua, thời tiết xấu, thường xuyên có mưa, nhưng tiết học giáo dục thể chất của học sinh Trường Tiểu học Pha Long vẫn được đảm bảo. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn, nhà trường được đầu tư thêm và hoàn thiện cơ sở vật chất, từ trường chính cho đến các điểm trường. Thầy giáo Giàng Seo Dìn, giáo viên Trường Tiểu học Pha Long, huyện Mường Khương cho biết: "Trường được xây dựng những nhà mái vòm rất tiện. Chúng tôi đi dạy ở các điểm trường thì cũng có đường bê tông nên dễ dàng hơn".

Nhưng bên cạnh niềm vui ấy là rất nhiều nỗi lo, Pha Long về đích nông thôn mới, ra khỏi diện xã vùng 3 trở thành vùng 1, nhiều chế độ của học sinh bị cắt giảm. Rất may là Nghị quyết 12 của Hội đồng nhân dân tỉnh được ban hành kịp thời đã hỗ trợ phần nào cho giáo dục vùng cao. Tuy nhiên nhà trường vẫn đang phải quan tâm đến nhiều vấn đề, nhất là việc chăm lo cho các em học sinh bán trú khi chế độ hỗ trợ giờ chỉ còn 1 nửa. Anh Hoàng Văn Sơn, nhân viên cấp dưỡng Trường Tiểu học Pha Long, huyện Mường Khương cho biết: "Mức ăn của các cháu rất thấp, bữa sáng chỉ có 2.000 đồng, bữa tối và trưa chỉ khoảng 5.000 - 6.000 đồng. Chúng tôi cũng phải tính toán xem nấu nướng thế nào cho các cháu vẫn được ăn đảm bảo".

Nhiều chế độ của học sinh bán trú bị cắt giảm sau khi Pha Long về đích nông thôn mới.

Mường Khương có 5 xã đã về đích nông thôn mới, đồng nghĩa với học sinh không thuộc diện hộ nghèo ở 5 xã này không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ giáo dục như trước, tác động là khó tránh khỏi. Lường trước điều đó, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương đã chủ động các giải pháp. Đặc biệt là quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động người dân khắc phục khó khăn để cho con em đến trường, không bỏ dở việc học. Nhờ vậy tỷ lệ chuyên cần của các cấp học vẫn đảm bảo đạt trên 95%. Ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: "Chúng tôi vận động bà con quan tâm chủ động hơn nữa đến việc học của con em mình, chuyển biến nhận thức từ việc hưởng thụ chế độ chính sách sang đóng góp cho con em học tập".

Để tránh bị động trong các năm học tiếp theo, chính quyền các cấp và ngành Giáo dục địa phương cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế phù hợp. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và tiếp cận dần chủ trương, quy định mới, tiếp tục quan tâm đầu tư cho cho con em tới lớp, tới trường khi không còn chính sách hỗ trợ.

Bài, ảnh: Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết