“Quản lý đảng viên đi làm xa – lắng nghe tiếng nói từ cơ sở” (Kỳ 3)

10:38 22-01-2020 | :733

Laocaitv.vn - Trong 02 kỳ đầu “Quản lý đảng viên đi làm xa – lắng nghe tiếng nói từ cơ sở” chúng tôi đề cập thực trạng đảng viên địa bàn nông thôn đi làm xa, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa bàn dân cư. Kỷ luật của Đảng nghiêm minh, mỗi đảng viên phải chấp hành là yêu cầu bắt buộc. Vậy làm cách nào để vừa tạo điều kiện cho đảng viên đi làm, vừa quản lý, giữ mối liên hệ, giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ của mình? Câu hỏi này không dễ trả lời, nhưng để dần tháo gỡ nút thắt này, cần lắng nghe tiếng nói từ chính cơ sở.

 *Kỳ 1: Khi những người trụ cột đi xa

*Kỳ 2: Những khoảng trống trong công tác lãnh đạo

Quý vị và các bạn nghe phát thanh tại đây:

Năm 2019 quả hồng vừa được mùa, vừa được giá, bà con bản Liên Hà 6 rất phấn khởi.

Chúng tôi về xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên đúng mùa quả ngọt. Tháng 9 mùa thu, những cây hồng sai quả ở bản Liên Hà 6 đang kỳ chín rộ. Hầu hết các gia đình nơi đây đều rất phấn khởi, bởi năm nay họ lại có thêm một mùa hồng vừa được mùa, vừa được giá. Với bản Liên Hà 6, hồng chỉ là một trong số nhiều thế mạnh đang mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống ngày càng sung túc. Khác với nhiều thôn của Bảo Hà đang là điểm nóng về tình trạng đảng viên đi làm xa, thì bản Liên Hà 6 lại hoàn toàn trái ngược. Chi bộ Liên Hà có 09 đảng viên, tất cả họ vẫn bám bản, đồng hành cùng chi ủy, bà con phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội. Đặc biệt, họ đều là những người làm kinh tế giỏi, trở thành hộ giàu, đi đầu trong chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, được bà con học tập, noi theo. Bí thư Chi bộ Liên Hà 6 ông Nguyễn Văn Khánh có lẽ là người vui nhất, bởi vì: "Khi thực hiện tôi đã liên hệ với Phòng Nông nghiệp huyện, Sở Nông nghiệp tỉnh quan tâm hướng dẫn chuyển đổi cây trộng vật nuôi. Các đảng viên rất chăm chỉ tăng gia sản xuất, tạo điều kiện làm giàu trên mảnh đất của mình. Đến nay các đồng chí đảng viên đều có kinh tế vững vàng, là các mô hình điển hình rất tuyệt vời".

Nhưng thực tế không phải ở thôn, bản nào cũng có thế mạnh như Liên Hà. Ở nhiều địa phương vùng cao, vùng biên giới, khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước, đất canh tác kéo theo nhu cầu sinh kế tại chỗ của người dân khó khăn hơn gấp bội. Chính vì vậy, sẽ không thể có một giải pháp chung để giữ chân đảng viên bám bản, bám làng cho tất cả các cấp ủy cơ sở. Bí thư Đảng ủy xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên bà La Thị Liên nêu quan điểm: "Có 07 đảng viên của Cam Cọn đi làm xa thì đều vào các công ty, doanh nghiệp không có tổ chức đảng. Về phía địa phương phải chủ động liên hệ với các đơn vị đảng viên tham gia lao động để có sự quản lý, nắm bắt tình hình. Và đảng viên đi làm ăn xa thì không thể về sinh hoạt được, chính vì vậy đề nghị có quy định mở hơn để tạo điều kiện cho đảng viên làm kinh tế".

Do đặc thù đảng viên đi làm xa của Bảo Yên đều làm tại các công ty, đơn vị, doanh nghiệp trong nước. Để đạt được 02 mục tiêu vừa tạo điều kiện về việc làm, thu nhập; vừa giúp cho đảng viên thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, ông Nguyễn Anh Chuyên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bảo Yên cho rằng: "Cần đẩy mạnh hơn nữa chủ trương thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đây là giải pháp hữu hiệu nhất để tạo điều kiện cho đảng viên được chuyển sinh hoạt đảng tạm thời. Còn đối với cơ sở, tùy điều kiện thực tiễn, các cấp ủy cần có giải pháp phù hợp trong việc giữ mối liên hệ chặt chẽ với đảng viên, động viên, khích lệ và tạo điều kiện cho họ thực hiện tốt chức trách của mình. Bên cạnh đó, nên chăng Trung ương cũng cần có những quy định cởi mở hơn đối với vấn đề quản lý đảng viên đi làm xa, để đảm bảo quyền lợi của đảng viên. Đặc biệt là đối với các khu công nghiệp chưa có tổ chức đảng thì các đảng viên này có thể được sinh hoạt ở địa phương gần đó. Thực tế đây là nhu cầu chính đáng của họ, các quy định hiện hành mới ở một mức nào đó, vẫn chưa có cơ chế mở để khuyến khích đảng viên đi làm kinh tế".

Mỗi người, dù đứng trong tổ chức nào đều phải chấp hành, chịu sự quản lý, phân công của tổ chức đó, đặc biệt là tổ chức đảng, nơi mà tính kỷ luật, sự nghiêm minh luôn được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, giữ nghiêm kỷ luật Đảng là yêu cầu bắt buộc, nhưng, vấn đề quản lý đảng viên đi làm xa cần phải có sự thay đổi từ chính tư duy của những người làm công tác Đảng. Với quan điểm này, ông Đoàn Ngọc Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Hà cho biết: "Các giải pháp vừa mềm mỏng, nhưng cũng vừa kiên quyết đang được Huyện ủy chỉ đạo triển khai. Đồng thời tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng. Nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp. Đặc biệt là phương pháp vận động tuyên truyền để họ nhận thức rõ quyền, trách nhiệm của người đảng viên đối với tổ chức đảng của mình".

Đối với mỗi đảng viên, khi xác định đứng trong hàng ngũ của những người ưu tú, đọc lời thề trước Cờ Đảng, Cờ Tổ quốc, họ đã đặt trọn niền tin của mình với Đảng. Là người có 20 năm gắn bó với công tác Đảng ở xã Bản Phố, huyện vùng cao Bắc Hà, ông Vàng Seo Sàng hoàn toàn hiểu những đảng viên người Mông ở địa phương mình vẫn một lòng tin và đi theo Đảng. Có chăng, sự ra đi của họ cũng chỉ là nhất thời, vì những khó khăn trước mắt, ông cũng tin tưởng rằng: "Về lâu dài, với rất nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho các xã vùng cao, chắc chắn, việc tạo kế sinh nhai, việc làm, thu nhập sẽ được cải thiện hơn nhiều. Đảng viên cũng như đồng bào Mông sẽ không phải đứng trước những sự lựa chọn khó khăn".

Trở lại với câu chuyện của đảng viên Vàng Sử Páo, sau một thời gian rời bản đi làm xa, trong ông luôn đau đáu, một lòng hướng về quê hương bản quán. Nơi không chỉ có những đồng chí cùng chung chí hướng, mà còn có những người thân yêu, đồng bào Mông tốt bụng, luôn sống chan hòa, mộc mạc và đầy ắp tình yêu thương. Chính vì vậy, với ông, trở về là sự lựa chọn từ chính trái tim. Rồi sau nhiều nỗ lực quyết tâm, lại nhận được sự hỗ trợ gián tiếp của Đảng, nhà nước thông qua các chính sách dành cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hôm nay, trong gia đình ông Páo, thóc, ngô, gà, lợn cũng đủ đầy. Những sản vật được gây dựng từ chính sức lao động trên đồng đất quê hương đang cho người đảng viên này niềm tin về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ông Páo phấn khởi chia sẻ: "Về thôi, không đi nữa, ở nhà với gia đình, với thôn, bản mình. Làm lúa, làm ngô, nuôi lợn, nuôi trâu thu nhập 01 năm 100 triệu đồng, không đi nữa đâu"./.

Tin, ảnh: Lê Liên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết