Quản lý học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa - Vấn đề cấp thiết

10:42 15-05-2019 | :2101

Laocaitv.vn - Thời gian gần đây, số lượng người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai qua biên giới làm thuê dài ngày đang có chiều hướng gia tăng, làm nảy sinh không ít vấn đề xã hội, trong đó có việc nhiều em nhỏ thường xuyên thiếu vắng sự quản lý, chăm lo của cha mẹ. Trước thực tế này, huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo ngành giáo dục và các trường học triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa.

Ngày càng có nhiều phụ huynh để lại con em ở nhà để đi làm ăn xa dài ngày

Cứ cách vài ngày, các thầy cô giáo lại phải trèo đèo, lội suối đến từng gia đình để năm bắt tình hình những học sinh có cha mẹ đi làm ăn xa đã quá quen thuộc ở các thôn bản vùng cao của huyện Si Ma Cai. Ngoài việc nắm bắt tình hình thì các thầy cô còn kịp thời giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, động viên các em tiếp tục đến trường học tập. Ông Vàng Văn Cú, Phó Chủ tịch UBND xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai cho biết: "Chúng tôi cũng đã rà soát tại các thôn bản của xã, phân ra từng trường hợp như: Các cháu có bố mẹ đi làm ăn xa, nhưng các cháu vẫn tự nuôi nhau được hoặc có ông, bà chăm sóc, còn lại những em không có ai chăm sóc thì phải nhờ đến các trường trong thôn, xã giúp đỡ".

Trước thực trạng ngày càng có nhiều phụ huynh để lại con em ở nhà, đi làm ăn xa dài ngày, trong khi các em đều đang trong độ tuổi cần có sự quan tâm, chăm sóc, quản lý thường xuyên của người lớn, bên cạnh các giải pháp tổng thể của huyện nhằm giảm thiểu số lượng người qua biên giới làm thuê thì ngành giáo dục cũng đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã để quản lý tốt nhất đối tượng học sinh có cha mẹ thường xuyên vắng nhà. Ông Nhâm Tiến Đức, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Si Ma Cai cho biết: "Chúng tôi đã tham mưu cho huyện các giải pháp là: Các thành viên Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện trực tiếp phụ trách xã xuống nắm bắt tình hình và báo cáo trực tiếp với Trưởng Ban chỉ đạo huyện 1 tháng 1 lần; 1 số xã quá khó khăn về chuyên cần thì chúng tôi đã làm việc với từng xã Nàn Sán, Lùng Sui, Sán Chải bàn từng giải pháp, đến từng học sinh để có hướng tiếp tục vận động học sinh ra lớp".

Các thầy cô là chỗ dựa giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường học tập

Về phía các trường học cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp đỡ các học sinh có bố mẹ đi làm xa bằng những hình thức phù hợp. Không ít trường đã thành lập các tổ tự quản, các nhóm bạn cùng tiến, động viên các em tự giúp đỡ nhau trong học tập, hạn chế tình trạng học sinh trốn tiết, bỏ học vì hoàn cảnh gia đình hoặc do thiếu sự quan tâm, quản lý của cha mẹ. Ông Nguyễn Đức Thuận, Hiệu trưởng trường THCS bán trú xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết: "Số học sinh mà có bố, mẹ đi làm ăn xa mà không có ai chăm sóc thì phương án là những bạn ở xa nhà trường, chúng tôi đưa về bán trú để đảm bảo việc chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu theo chế độ của Nhà nước, số còn lại thì bố, mẹ các em đã gửi lại con cho ông, bà hoặc người nhà chăm sóc thì các em vẫn đảm bảo được việc học và đảm bảo được tỷ lệ chuyên cần".

Năm học 2018 - 2019 này, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp ở huyện Si Ma Cai đạt trên 95%. Tuy nhiên ở các trường THCS Lùng Sui, Nàn Sán, Sán Chải, tỷ lệ này chỉ đạt trên dưới 90%, đây là những địa bàn có số người dân sang Trung Quốc làm thuê đông, vì vậy nhiều em học sinh phải bỏ học, hoặc vừa đi học, vừa lo việc nhà nên việc duy trì tỷ lệ chuyên cần rất khó khăn. Thực tế này đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành giáo dục huyện Si Ma Cai cần tiếp tục triển khai những giải pháp tổng thể nhằm hạn chế tình trạng người dân bỏ nhà qua biên giới làm ăn dài ngày.

Thế Văn - Quang Ánh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết