Laocaitv.vn - Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tỷ lệ thuận với việc mở rộng diện tích canh tác của nông dân đang gây nên những tác động xấu đến sức khỏe của chính bà con và môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng. Cũng chính từ nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tăng cao mà hoạt động mua bán mặt hàng này tại các chợ phiên vùng cao rất sôi động, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý. Hơn nữa, với đường biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc dài, nhiều lối mòn, lối mở nên khó cho việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán thuốc bảo vệ ngoài danh mục.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai, trung bình mỗi năm, nông dân Lào Cai sử dụng từ 150 đến 160 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại và nhiều nhất là thuốc diệt cỏ. Ở vùng cao Lào Cai, mùa làm nương cũng là mùa khan hiếm nước, nên những nơi có nước sẽ là những địa điểm pha chế thuốc diệt cỏ lý tưởng, thậm chí, địa điểm pha thuốc diệt cỏ còn nằm cạnh nơi giết lợn, mổ gà. Thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, thói quen bừa bãi vẫn tồn tại lâu đời đang trực tiếp uy hiếp đến sức khỏe của mỗi người dân. Chị Vàng Chinh, Thôn Lồ Séo Tủng, xã Cao Sơn, huyện Mường Khương cho biết: "Mình không đọc được hướng dẫn sử dụng, chỉ biết 1 lọ thuốc diệt cỏ pha vào 1 thùng nước to rồi mang đi phun bao giờ hết thì thôi".
Chị Vàng Chinh đang pha thuốc diệt cỏ
Tại các chợ phiên vùng cao, thuốc bảo vệ thực vật được bày bán công khai, tràn lan cùng với các hàng hóa khác, trong khi, đây là loại hàng hóa cần có giấy phép kinh doanh và có những điều kiện cụ thể. Trên những sạp hàng bán thuốc bảo vệ thực vật kèm với nhiều hàng hóa khác, có rất nhiều loại thuốc không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Các ống thuốc diệt chuột được người dân trao đổi với nhau, hướng dẫn sử dụng trên ống thuốc chỉ ghi rất đơn giản là ở đâu có nhiều chuột thì đổ vào thức ăn, chuột ăn phải sẽ chết, trong khi đó, không thể chắc chắn rằng những loài vật khác như chó, mèo, lợn, gà hay thậm chí là trẻ nhỏ nếu ăn phải sẽ rất nguy hiểm. Chúng tôi hỏi 1 lọ thuốc màu trắng, người bán giải thích đó là thuốc chống kiến, thuốc này được dùng để trồng ngô, nhưng một lọ dùng cho bao nhiêu kg hạt giống thì người bán không biết vì không thể đọc được hướng dẫn sử dụng. Tất cả các loại thuốc ngoài danh mục đều được hướng dẫn bằng truyền khẩu, không có phụ đề bằng chữ la tinh mà người dân cho rằng chỉ cần nhìn hình vẽ là biết tác dụng và cách sử dụng.
Thuốc bảo vệ thực vật được bày bán chung với các mặt hàng khác
Tỉnh Lào Cai có đường biên tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc và có nhiều lối mòn, lối mở. Những năm gần đây, nhân dân 2 bên biên giới qua lại giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa nên một số bà con lén lút vận chuyển, buôn bán, sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục. Qua điều tra của các lực lượng chức năng thì lượng thuốc ngoài danh mục sử dụng tại các vùng này ước chiếm khoảng 20% tổng số lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ sử dụng trong nông nghiệp trong toàn tỉnh. Tình trạng buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ ngoài danh mục tại các chợ phiên đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của đồng bào vùng cao, cũng như uy tín chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Vì vậy, việc quản lý, ngăn chặn thẩm lậu các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục là rất cần thiết, giúp Lào Cai hướng đến phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn. Ông Hạng Seo Tủa, Chủ tịch UBND xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai cho biết: "Ban Quản lý chợ chưa thực sự huy động đủ nhân lực, một số hộ kinh doanh vẫn lợi dụng mặt đường để bày bán, chúng tôi xin hứa là các phiên chợ tiếp theo sẽ không còn tình trạng này nữa".
Trên thực tế, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục thường có giá rẻ hơn thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam khoảng 20%, có loại thấp hơn đến 50%, nên một số đối tượng buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ phiên vùng cao đã lợi dụng để mua và vận chuyển lậu về buôn bán. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trong quá trình thanh tra, kiểm tra đã thống kê có khoảng 30 cá nhân tự phát buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ phiên và có bán thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục. Công tác tuyên truyền, vận động đã được thực hiện nhưng với nhiều lý do, những người buôn bán này không tham gia các lớp tập huấn về điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Một nguyên nhân khác khiến thị trường thuốc bảo vệ thực vật tại các chợ phiên vùng cao luôn sôi động là do địa hình đi lại khó khăn, nên hệ thống cung ứng và mạng lưới phân phối thuốc bảo vệ thực vật tại địa bàn các xã vùng cao còn nhiều bất cập. Đại lý cấp 1 và đại lý cấp 2 tại các xã giáp biên hầu như không có, các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật chỉ tập trung ở các khu vực vùng thấp, có đường giao thông thuận tiện nên việc trao đổi, mua bán các mặt hàng này chỉ diễn ra chủ yếu ở các chợ phiên vùng cao.
Ngọc Hà - Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết