Tận cùng sông Chảy

21:27 25-03-2019 | :425

Laocaitv.vn - Nơi ấy có những bản làng La Hờ, Lao Tô, Sàng Chải, Pạc Tà, Lũng Thắng... được ví như “ốc đảo khát” chênh vênh trên vòm nhô núi đá vôi dựng đứng, chìm trong ngút ngàn sương bay. Nhưng đó cũng là nơi tình yêu đất đai biên thùy của Tổ quốc, ý chí vượt khó và khát vọng vươn lên của đồng bào Mông, Thu Lao, Phù Lá, Bố Y... luôn tràn ngập, đỏ thắm như mầu hoa trạng nguyên rực rỡ nơi đây.

Thầy trò Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương (Lào Cai).

Chênh vênh "yên ngựa" Tả Gia Khâu

Tháng ba, đang mùa khô hạn, tôi ngược "dốc chín quai", qua "cổng trời" lên Tả Gia Khâu. Ðất dưới chân nứt nẻ, phồng rộp, khô hạn, may còn có mầu xanh mướt của rừng trẩu đang mùa lên lá, rừng thông mã vĩ xanh ngằn ngặt úp lên ngọn núi Tu Pa sừng sững và những quả đồi "bát úp" ven sông Xanh, nhìn xa như những chiếc mũ bê-rê đội trên đầu người khổng lồ, làm dịu đi cái khô khát ở xứ sở thừa đá, thiếu nước này. Nhớ năm nào, đúng mùa đông giá rét của ngày sát Tết, cao điểm của mùa khô hằng năm, chúng tôi lội bộ từ Pha Long lên Tả Gia Khâu, mũi thở ra khói, miệng lưỡi khô rộp mà khẩu phần được đồn trưởng biên phòng ưu ái cũng chỉ phong lương khô của lính và chai nước nhỏ, chỉ dám nhấp từng giọt để lấy sức mà leo dốc, đi miên man như giữa vùng hoang mạc, không một bóng cây, không một mạch nước, lèo tèo nhà dân bám lưng vách núi với những cái lu rất to đặt chung quanh nhà để hứng nước mưa sinh hoạt. Ðến nhà dân nào cũng vậy, mái thấp nhưng rất rộng và hàng lu đúc bằng xi-măng đặt quanh nhà như lô cốt phòng thủ, hứng nước mưa cho cả người và gia súc dùng cả năm. Năm nào trời mưa nhiều thì còn đỡ, năm hạn hán thì khổ vô cùng vì người và vật nuôi phải đi "săn nước" cực kỳ vất vả. Mùa khô ở Tả Gia Khâu kéo dài từ tháng 11 năm trước đến hết tháng 5 năm sau, nước hiếm và quý đến nỗi, cán bộ tỉnh hoặc huyện, hay đoàn khách nào ở xa lên thăm đồn biên phòng hay trường học ở đây, chỉ cần "thồ" lên cho can nước 20 lít là quý hơn mọi thứ quà cáp.

"Kể cũng lạ! Ở trên mặt đất thì khô khát từng giọt nước mà dưới thung sâu kia vây quanh ba bề bốn bên Tả Gia Khâu thì sông Xanh, sông Trắng và sông Mã Lu ào ào chảy xiết, đổ nước vào sông Chảy, nhìn mà thèm quá", Chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu, Nguyễn Ðức Luân nói. Ðứng ở mỏm núi thôn La Hờ, theo hướng tay anh Luân chỉ, con sông Xanh hun hút dưới thung sâu kia nhỏ như sợi chỉ uốn lượn giữa trùng điệp núi đá cao ngất. Chỉ có lính ở đồn biên phòng và thanh niên khỏe trong xã mới đủ sức để "tụt" dốc đá rồi leo lên, mất nửa ngày, rách bươm giày vải, mới cõng được can nước 20 lít từ con sông Xanh đang ầm ào đổ nước về hạ nguồn. Theo tiếng địa phương, Tả Gia Khâu có nghĩa là cái "yên ngựa lớn". Từ trên đỉnh núi Tu Pa nhìn xuống, toàn bộ con đường đi qua thôn trung tâm Tả Gia Khâu xuống La Hờ, Thải Giàng Sán đúng như cái yên ngựa khổng lồ, chênh vênh trên vòm nhô sông Chảy. Ðất đai ở đây thật lạ, bình thường thì tơi xốp, trông có vẻ màu mỡ, nhưng khi mưa xuống, nước trôi tuột đi hết. Nhiều đoàn công tác của Trung ương, địa phương đã lên khảo sát, tìm cách khắc phục tình trạng thiếu nước, nhưng tất cả đều đi đến một kết luận là chỉ có tìm cách giữ nước ở lại với con người, chứ không thể tìm đâu ra nguồn nước, do cấu tạo địa chất hang động cát-tơ đá vôi, không giữ được nước ngầm. Vậy nên, Tả Gia Khâu được gọi là "ốc đảo khát", vì ba bề bốn bên là sông ăm ắp nước mà phải chịu khô hạn khắc nghiệt, vì nỗi đau đáu mong mưa để có nước mà sinh sống, sản xuất.

"Người Mông, Thu Lao, Phù Lá... sống trên "ốc đảo khát" Tả Gia Khâu này đều biết nơi ông cha họ chọn làm nơi "đứng chân, cắm rễ" là ngọn nguồn sông Chảy hùng vĩ của đất nước cho nên ai cũng biết giữ rừng, trồng cây gây mầu xanh trên núi đá vôi khí hậu khắc nghiệt, ở độ cao hơn nghìn mét so với mặt biển. Họ hiểu đó là cách duy nhất để sinh sống, trường tồn trên vùng đất khô khát này. Cả 10 thôn ở Tả Gia Khâu đều có ý thức giữ rừng cấm và thực hiện nghi lễ cúng rừng hằng năm như một nét văn hóa bản địa không thể thiếu vào mỗi dịp đầu năm mới", anh Luân chia sẻ. Hôm chúng tôi đến thôn La Hờ, hoa trạng nguyên đỏ thắm ven đường đi, đồng bào Phù Lá ở đây đang cúng rừng cấm, với nghi lễ trang trọng, thành kính. Trên đỉnh núi đá vôi khô khốc, kỳ lạ thay, xanh mát khu rừng cấm với những cây nghiến, lát, chò chỉ, đinh hương... cổ thụ, vài vòng tay người ôm không xuể. Ðây là rừng cấm cho nên tuyệt nhiên không ai được xâm phạm, dù chỉ một cây măng, một cái dây leo. "Nó là hồn rừng sinh nước cho người Phù Lá sống được ở đỉnh núi cao này đấy", già làng Cáo Sào Diu nói với chúng tôi. Bảo vệ nghiêm ngặt "rừng cấm", đồng bào các dân tộc nơi đây còn tích cực trồng trẩu và thông mã vĩ, hai loại cây duy nhất trụ được trên vùng đất "yên ngựa" đá nhiều hơn đất. Nhờ thế, hôm nay hơn 500 ha rừng trồng đang lan tỏa mầu xanh phủ kín đồi trọc, núi đá, chắt chiu giữ nước cho người, cho sông phía hạ lưu. Dù ít mưa, khô hạn kéo dài nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số và bộ đội biên phòng ở Tả Gia Khâu đã chủ động được nguồn nước, bớt căng thẳng vào mùa khô, bởi hệ thống chứa đủ loại như lu xi-măng, bồn chứa bằng i-nốc, hầm chứa nửa chìm nửa nổi bằng vải địa kỹ thuật và đường ống dẫn nước duy nhất từ đỉnh Tu Pa của Nhà nước đầu tư.

Sức sống nơi biên cương

Tôi cùng Thượng tá Phan Ðức Mạnh, Chính trị viên Ðồn Biên phòng Tả Gia Khâu xuống các thôn La Hờ, Lao Tô, Lao Chải... nơi đồng bào đang thi nhau bỏ ngô, nuôi bò. Nhiều hộ chỉ sau hai đến ba năm đã thoát nghèo bền vững, làm được nhà kiên cố, trong chuồng có mấy con bò làm vốn, nhờ phương thức luân chuyển nuôi bò sinh sản.

Câu chuyện của gia đình chị Cao Xuân Phấn, người Thu Lao là một minh chứng về nỗ lực thoát nghèo ở vùng đất gian khó này. Cách đây bốn năm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai quyên góp hỗ trợ gia đình chị một con bò cái giống. Chịu khó kiếm gỗ làm chuồng nuôi nhốt, nghe theo cán bộ khuyến nông trồng cỏ voi VA06 làm thức ăn dự trữ vào mùa đông giá rét, đến nay vợ chồng chị Phấn có ba con bò. Niềm vui hiện trên khuôn mặt, khi chị Phấn cho chúng ăn những thân cỏ VA06 xanh mướt. "Chỉ hai năm nữa thôi, bò lớn lên, bán đi mình sẽ có tiền làm nhà mới, cảm ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm", chị Phấn xúc động. Ở Tả Gia Khâu hôm nay, có hơn 400 hộ người Mông, Phù Lá, Thu Lao trồng 32 ha cỏ voi VA06, để "bỏ ngô, nuôi bò", nhờ thế trên "ốc đảo khát" này hiện có gần 1.000 con bò, đem lại nguồn sống và thu nhập ổn định cho đồng bào.

Từ La Hờ "tụt dốc" xuống thôn mới định cư Pạc Tà, tôi dường như không tin ở mắt mình khi hiển hiện trước mặt là những ngôi nhà xây theo kiến trúc của người bản địa, san sát bên nhau như phố thị, chính giữa là con đường bê-tông rộng rãi, phẳng phiu. Mỗi viên gạch, bao xi-măng, hạt cát đưa từ thành phố Lào Cai đến nơi "đỉnh trời" này đội thêm gấp hai, ba lần tiền cước vận chuyển. Ðược Nhà nước hỗ trợ tái định cư 18 triệu đồng/hộ, bà con họp gia đình, dòng họ chung sức giúp nhau, cho vay không lãi để xây nhà; những hộ khó khăn hơn thì được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay ưu đãi. Quyết tâm và chung sức đồng lòng, 47 hộ thuộc diện di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm sạt lở đã có nhà xây kiên cố để an cư lạc nghiệp lâu dài. Trong căn nhà mới, anh Goàng Chín Sáng nói rằng, phải vay ngân hàng 50 triệu đồng để xây nhà gạch cho chắc chắn, vì ở đây thời tiết khắc nghiệt, hay có mưa đá, lốc xoáy dữ dội. "Sau ba năm lao động và tiết kiệm, vợ chồng mình đã trả hết nợ", anh cười tươi khoe với tôi.

Cổ nhân có câu "trăm nghe không bằng một thấy", đến Pạc Tà nơi "yên ngựa chênh vênh", càng cảm nhận rõ tình yêu đất đai xứ sở và sức sống bền bỉ, trường tồn nơi biên cương Tổ quốc.

Theo Nhandan.com.vn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết