Một trong những đơn vị đào tạo nghề được thành lập đầu tiên của tỉnh Lào Cai sau ngày tái lập đó là Trường Trung học Sư phạm. Ngôi trường ra đời với trọng trách to lớn là khẩn trương đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp giáo dục đào tạo tỉnh nhà. Ông Đỗ Kim Cương, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, cựu học sinh Trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Lào Cai chia sẻ: "Các thầy cô đào tạo, bồi dưỡng chúng tôi có nghiệp vụ, năng lực sư phạm để đứng trên bục giảng, phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, giản dị và phải thật sự tận tâm với nghề".
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu chia tách tỉnh nhưng công tác đào tạo nghề của Lào Cai đã nỗ lực và đã đạt được những thành tích ấn tượng.
Đến năm 2000, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt gần 14%. Trong đó có gần 6,7% qua đào tạo nghề, đáp ứng một phần yêu cầu sản xuất ở một số cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt từ năm 2001 quy mô, loại hình và ngành nghề đào tạo được mở rộng và đa dạng hơn. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề của tỉnh tăng từ 8,1% năm 2001 lên 27,8% vào năm 2010. Ông Trịnh Quang Chinh, nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: "Sở đã tham mưu cho tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách về việc nâng cao ý thức, nhận thức, rồi trang bị cho họ những kiến thức trong cuộc sống làm ăn, tránh những rủi ro. Nâng cao trình độ cho người lao động, để họ có cơ hội tham gia vào những chuỗi việc làm".
Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, trình độ người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tập trung quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn. Lào Cai hiện có 17 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp có quy mô, đa dạng loại hình đào tạo, phục vụ hiệu quả cho yêu cầu phát triển của tỉnh và một phần cho khu vực. Anh Sùng Seo Cở, thôn Seo Khái Hóa, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai chia sẻ: "Sau khi ra trường tôi cũng đi làm, chủ yếu làm thuê công nhật cho mấy anh đi trước. Bây giờ có thêm kinh nghiệm tôi đã tự khởi nghiệp, vừa giúp gia đình, đồng thời tạo việc làm cho anh em trong thôn, bản".
Các cơ sở đào tạo nghề đang hướng tới tăng đào tạo thực hành để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đặt mục tiêu đào tạo mới, bồi dưỡng và đào tạo nâng cao tay nghề cho khoảng 58.000 lao động. Đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt trên 65%. Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: "Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải tự đổi mới theo hướng đáp ứng tối đa nhu cầu của người học nghề chứ không phải những gì mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang có. Tăng cường đào tạo thực hành, giảm về lý thuyết, có thể mời các doanh nghiệp đến cùng tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát và có thể tổ chức tuyển dụng ngay sau khi người lao động hoàn thành các khóa học nghề".
Với những giải pháp đồng bộ, đến nay đại bộ phận người lao động đều đã nhận thức rõ học nghề là yêu cầu tự thân để có thu nhập ổn định. Đây là cơ sở để Lào Cai hướng đến những mục tiêu cao hơn trong những năm tiếp theo.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết