Thầy giáo như mẹ hiền

10:28 20-11-2019 | :707

Laocaitv.vn - Ở cấp học mầm non, chúng ta vẫn thường quen với hình ảnh những cô giáo hiền dịu, hát hay, múa giỏi như người mẹ hiền của con trẻ. Vậy nhưng, ở vùng cao Lào Cai, có không ít những “người mẹ hiền” là những thầy giáo trẻ. Câu chuyện đến với nghề của những người thầy ấy tuy khác nhau, nhưng họ giống nhau ở tình yêu trẻ, yêu nghề. Ở nơi mà tất cả mọi thứ vật chất còn thiếu thốn ấy lại bừng lên tình người, tình thầy trò mộc mạc, chân thành và ấm áp.

Tiết học rộn rã tiếng cười của các em học sinh điểm trường Giàng Tả Chải Dao.

Múa hát, chơi trò chơi... Lúc nào trong lớp học của thầy giáo Hoàng Văn Thành cũng rộn rã tiếng cười vui. Lũ trẻ ríu rít như một bầy chim non.

Lên điểm trường Giàng Tả Chải Dao được gần 1 năm, thầy giáo Thành đã dần quen với cuộc sống tại bản vắng trên đỉnh núi này. Một mình phụ trách điểm trường, tự tay làm các đồ chơi cho các con học tập, chăm sóc học trò mình từng bữa ăn, giấc ngủ. Thầy giáo Hoàng Văn Thành, giáo viên Trường Mầm non Tả Van, huyện Sa Pa chia sẻ: "Khi nộp hồ sơ thi công chức, tôi cũng xác định sẽ đi đến nơi khó khăn, như một sự trải nghiệm. Tôi cũng đã từng đọc những bài báo về những nơi khó khăn như thế này, và tôi cũng muốn đóng góp 1 phần công sức của mình để mang lại một cái gì đó cho các cháu, với thiên chức của 1 người làm bố, làm mẹ, yêu thương các cháu khi các cháu đến trường”.

Thầy giáo Thành vào nghề được 5 năm, và đó là 5 năm của trải nghiệm, của chuỗi ngày vượt qua khó khăn, thử thách. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, chàng thanh niên 9X Hoàng Văn Thành rời quê hương Văn Bàn, đăng kí lên vùng cao Sa Pa dạy học. Gạt bỏ được những bỡ ngỡ ban đầu, cũng như cảm giác ngại ngùng khi múa hát với các em nhỏ, 5 năm gắn bó với nghề giáo đã mang đến những thay đổi trong suy nghĩ của thầy giáo trẻ, nhưng vẫn vẹn nguyên tình yêu thương với những đứa trẻ vùng cao.

Thầy giáo trẻ Hoàng Văn Thành luôn nhận được những tình cảm yêu thương của các em học sinh, của bà con dân bản.

Cũng như những giáo viên ở vùng cao Sa Pa, trong quá trình công tác, thầy Thành đã được luân chuyển qua nhiều điểm trường lẻ, từ đó thấu hiểu được nỗi vất vả của người dân nơi đây, và thấu hiểu cả khao khát được đi học của những đứa trẻ vùng cao. Chính vì vậy, thầy Thành luôn nỗ lực đem kiến thức và khả năng của mình để dạy học, để sáng tạo dụng cụ học tập, vận động xã hội hóa để sửa chữa cơ sở vật chất trường học, kêu gọi hỗ trợ cho các em học sinh.

Điểm trường Mầm non Giàng Tả Chải Dao có 35 em. Mỗi buổi chiều, thầy Thành đưa các em ra tận đầu thôn, tay bế, tay bồng. Cuộc sống nơi đây như chia là hai nửa, một nửa với chất chứa bao nỗi niềm riêng tư, một nửa sôi nổi với lửa nhiệt tình tâm huyết của tuổi thanh xuân. Người thầy giáo trẻ xa quê, xa gia đình cắm bản, những nhọc nhằn chẳng làm vơi đi tình yêu thương với những đứa trẻ vùng cao. 

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết