Trăn trở của những người làm công tác phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

13:00 23-12-2019 | :3883

Laocaitv.vn - Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các ban, ngành, những năm gần đây, tình trạng tảo hôn tại các địa bàn vùng cao của Lào Cai đã được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm vấn nạn này, thực tế vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ làm công tác vận động ở cơ sở đang nỗ lực tìm ra những giải pháp để những câu chuyện buồn, những hệ lụy từ tảo hôn không còn tái diễn ở vùng cao Lào Cai.

19 tuổi nhưng Lồ Thị Da thôn Bản Pho, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa đã là mẹ của 02 con nhỏ.

Nếp nhà nhỏ vài chục mét vuông là nơi sinh sống của hơn 10 nhân khẩu, năm nay 19 tuổi nhưng Lồ Thị Da ở thôn Bản Pho, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa đã là mẹ của 02 con nhỏ. Em lập gia đình khi cả 02 vợ chồng vừa tròn 17 tuổi, chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Cuộc sống khó khăn, ở chung với gia đình nhà chồng, chồng lại không có công việc ổn định, phụ thuộc vào tiền dẫn khách đi tuor của Da với khoảng 1 triệu đồng một tháng. Những áp lực về cuộc sống mưu sinh cứ thế đè nặng lên đôi vai của cô sơn nữ tuổi chưa đến đôi mươi. Em Lồ Thị Da chia sẻ: "Cuộc sống khó khăn lắm, 02 đứa bé bị ốm đưa đi viện thì không có thẻ. Bây giờ em chỉ muốn được ở nhà với bố mẹ như trước kia thôi".

Lồ Thị Da không phải là trường hợp đặc biệt ở xã vùng 3 này, từ năm 2017 đến nay, có tới 15 cặp vợ chồng kết hôn khi chưa đủ tuổi. Để nhằm hạn chế tình trạng này, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền xã Hầu Thào thường xuyên đến tận nhà tuyên truyền, vận động các gia đình, kiên quyết không cấp giấy đăng ký kết hôn khi người đăng ký chưa đủ tuổi, xử phạt vi phạm hành chính… Tuy nhiên, mức xử lý của quy ước, hương ước, vẫn chưa đủ sức răn đe nên người dân sẵn sàng nộp phạt, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra. Ông Giàng A Chu, Chủ tịch UBND xã Hầu Thào, huyện Sa Pa cho biết: "Mỗi trường hợp vi phạm chúng tôi sẽ xử phạt 3 triệu đồng, người làm chủ hôn bị phạt 2 triệu đồng. Với những trường hợp tảo hôn nặng chúng tôi sẽ ra các biện pháp, hoàn thiện hồ sơ, sau khi xử phạt hành chính sẽ chuyển hồ sơ về tòa án, xét xử vài trường hợp để có tính răn đe".

Hiện nay, công tác tuyên truyền vẫn là quan trọng nhất.

02 năm qua, đã có trên 85% cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, đội ngũ cán bộ tuyên truyền thôn, bản, đối tượng cộng tác viên, hòa giải viên đã được tập huấn, hướng dẫn về nâng cao năng lực, kỹ năng, vận động tư vấn truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã tích cực bám thôn, bản, bằng nhiều biện pháp để nhằm tuyên truyền cho bà con thay đổi nhận thức về hôn nhân, giảm thiểu tình trạng kết hôn trước tuổi. Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: "Trước hết vẫn phải là công tác tuyên truyền, chúng ta đã có những cơ sở từ quyết định 498 của Thủ tướng Chính phủ và sau này là Chỉ thị 33 của Tỉnh ủy. Căn cứ vào đó để các địa phương giao công việc cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể, khu dân cư, thôn, bản, giáo dục cho con em trọng cộng đồng dân tộc mình nâng cao hiểu biết".

Trên thực tế, thời gian qua, vẫn còn đó những câu chuyện buồn về những cặp vợ chồng trẻ con. Những hệ lụy do nạn tảo hôn gây ra là không nhỏ, đi ngược lại với quy luật phát triển và những quy định của pháp luật. Rõ ràng, việc nhìn nhận lại cách tiếp cận, có nghiên cứu một cách khoa học và phương pháp truyên truyền bài bản…, cần được các cấp, ngành của Lào Cai triển khai để không còn canh cánh nỗi lo cứ vào mùa cưới lại có những cuộc hôn nhân của đôi trẻ chưa đến tuổi trưởng thành./.

Thu Hường – Nông Quý – Vũ Giang


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết