Trăn trở về những bữa cơm cho học sinh vùng cao

16:21 03-01-2020 | :7902

Laocaitv.vn - Khắc phục những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh phí, các trường học của Lào Cai đang nỗ lực triển khai nhiều cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh, góp phần đảm bảo dưỡng chất để các em phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần. Tuy nhiên, đối với đặc thù của vùng cao, giao thông đi lại khó khăn nên có không ít học sinh dù không thuộc diện bán trú cũng phải ở lại trường mà không được hưởng chế độ bán trú. Các em thường phải mang cặp lồng cơm từ nhà đến trường để ăn trưa. Những bữa cơm “cặp lồng” của học sinh vùng cao đã và đang là trăn trở của các thầy cô giáo.

Thời gian gần đây, các trường học trên địa bàn huyện Bảo Yên đã và đang nỗ lực cải thiện chất lượng bữa ăn bán trú cho các em học sinh, mặc dù còn rất nhiều khó khăn. Vậy nhưng, một trong những trăn trở lớn nhất của các thầy cô giáo đó là làm thế nào để các em học sinh không có trong chế độ bán trú cũng được ăn cơm tại trường.

Ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên cho biết: "Các cấp học đều triển khai học 2 buổi trên ngày, chính vì vậy, các em học sinh không đủ điều kiện về cự ly để được ở bán trú vẫn thường phải mang cơm đi để ăn trưa. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bảo Yên cũng đã yêu cầu các nhà trường tạo điều kiện để những em này được ăn cơm cùng với các bạn trong trường".

Nhiều học sinh không đủ điều kiện ở bán trú phải mang cơm đến lớp ăn vào bữa trưa.

Với địa hình đặc thù vùng cao, nhiều học sinh không được hưởng chế độ bán trú bởi quãng đường đến trường chưa đủ 4 km với học sinh tiểu học và 7 km với học sinh trung học. Vậy nhưng, hành trình đến trường của các em vẫn hết sức gian nan bởi chủ yếu toàn đường đồi núi. Vì vậy, tại các điểm trường vùng cao, không khó để bắt gặp hình ảnh những bữa cơm trưa “cặp lồng”. Đặc biệt, từ khi triển khai cho học sinh học 5 ngày trên một tuần, nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh Lào Cai phải tính toán đến phương án sắp xếp ăn, nghỉ cho những em không ở bán trú tại trường vào buổi trưa, để đảm bảo các em có điều kiện thuận lợi quay trở lại trường học tập vào buổi chiều.

Ngoài huy động xã hội hóa để có thêm kinh phí, các nhà trường đã triển khai tăng gia sản xuất. Những vườn rau xanh mướt và truồng trại chăn nuôi triển khai theo mô hình trường học nông trại vừa tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, nâng cao kĩ năng, kiến thức, đồng thời cũng cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho các bữa ăn của học sinh.

Thầy Đào Trọng Nguyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên cho biết: "Nhà trường tận dụng những quỹ đất trống để xây dựng mô hình nhà lưới trồng rau và truồng trại chăn nuôi, việc làm này đã đem lại hiệu quả rất tốt, cung cấp được nguồn thực phẩm sạch cho các bữa ăn của học sinh".

Mô hình trường học nông trại đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh vùng cao.

Thời điểm này, giá thực phẩm đang tăng chóng mặt, gây không ít khó khăn cho việc nấu ăn cho các em học sinh. Cùng với đó, tại những điểm trường xa, vẫn có những cặp lồng cơm thiếu chất trong những bữa ăn vội của học trò. Những sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân là điều mà các thầy cô giáo vùng cao mong mỏi, để học sinh thân yêu của mình có thêm những bữa ăn đủ đầy, để các em có thêm sức khỏe, điều kiện học tập tốt.

Thu Hường – Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết