Cách làm bẫy bả chua ngọt diệt sâu keo, sâu cắn gié

14:54 17-07-2019 | :5399

Laocaitv.vn - Thời gian qua, sâu keo, sâu cắn gié phát sinh gây hại mạnh trên lúa, ngô vùng cao tại các huyện, thành phố. Diện tích nhiễm là 216 ha; trong đó trên ngô là 136,15 ha, trên lúa là 79,8 ha phân bố tại các huyện Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Văn Bàn và thành phố Lào Cai.

 

Đến nay, toàn bộ các diện tích cây trồng nhiễm đã được phòng trừ. Tuy nhiên, còn một lượng lớn sâu ở các diện tích đất hoang, bờ cỏ đã chuyển vào giai đoạn nhộng. Dự báo từ 20/7 - 30/7, toàn bộ nhộng sâu keo sẽ vũ hóa và đẻ trứng, với sức đẻ của 1 con cái từ 200 - 300 trứng khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi sâu non sẽ nở rộ và gây hại mạnh từ cuối tháng 7 giữa tháng 8. Đây là thời điểm lúa một vụ vùng cao đang làm đòng, trỗ bông rất mẫn cảm với sâu bệnh, mật độ sâu cao có thể gây ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Cá thể sâu keo hại ngô.

Theo nghiên cứu thì con trưởng thành của một số loài như: Sâu cắn gié lúa, sâu keo, sâu ăn tạp (sâu khoang), sâu xám, sâu cắn lá ngô… có sở thích ăn thêm các loại thức ăn có mùi chua ngọt trước khi giao phối, đẻ trứng. Lợi dụng đặc tính này chúng ta có thể sử dụng biện pháp dùng bẫy bả chua ngọt (pha thuốc vào bả để dẫn dụ con trưởng thành bay đến ăn rồi ngộ độc thuốc mà chết) để bẫy và tiêu diệt con trưởng thành của các loài sâu hại trên, hạn chế sử dụng thuốc hoá học trên đồng ruộng. Để chủ động phòng trừ sâu keo, sâu cắn gié hiệu quả, ngành Nông nghiệp Lào Cai hướng dẫn cách diệt sâu keo, sâu cắn gié bằng bẫy bả chua ngọt, cụ thể như sau:

Chuẩn bị bả chua ngọt: Dùng 4 phần mật (đường đen) trộn với 4 phần dấm, 1 phần rượu và 1 phần nước, khuấy kỹ để dung dịch này tan đều. Cho vào can nhựa, bình nhựa… đậy kín, chờ 3 - 4 ngày sau, khi thấy dung dịch bốc mùi chua ngọt thì trộn thêm thuốc trừ sâu, với liều lượng cứ 100 phần dung dịch chua ngọt cho thêm một phần thuốc trừ sâu, nên sử dụng các loại thuốc ít mùi để cho vào bả như Gà nòi 95SP, Padan 95SP, Actara 25WG…

Cách đặt bẫy bả: Cách làm bùi nhùi (lấy một đoạn gốc rạ dài khoảng 40 - 50 cm, bó một đầu lại thành từng bó cỡ một chẹn tay (một đầu xòe ra), mỗi bó cắm trên một cọc tre dài khoảng 1m; Dùng một nắm giẻ (bông, giấy vụn hoặc rơm vụn…) nhúng vào dung dịch rồi cho vào giữa con bùi nhùi làm bằng rạ, đem bùi nhùi ra đặt vào khu nương ruộng cần bẫy, mùi chua ngọt trong bùi nhùi tỏa ra xung quanh sẽ hấp dẫn trưởng thành đến ăn bả); làm bẫy bả bằng hộp nhựa (sử dụng hộp nhựa tròn đường kính 9 -10 cm, cao 13 - 15 cm, có nắp đậy kín; trên thành hộp đục 4 - 5 lỗ tròn có đường kính 2,5 - 3 cm (ở vị trí giữa chiều cao thành hộp). Sau đó lấy giẻ (bông, giấy vụn hoặc rơm vụn…) nhúng vào dung dịch bả chua ngọt cho vào trong hộp và treo hộp bẫy ra khu vực cần bẫy).

Thời điểm đặt và mật độ bẫy bả: Để bẫy sâu keo, đặt bẫy khi sâu bước vào giai đoạn làm nhộng; bẫy sâu cắn gié khi lúa giai đoạn đòng già để vừa bẫy bắt trưởng thành vừa xác định được mật độ bướm trên đồng ruộng. Chiều tối đem cắm bẫy, sáng hôm sau thu gom bướm, làm liên tục cho đến khi lúa chín sữa. Để sử dụng bẫy hiệu quả cứ khoảng 8 - 10 m đặt 1 bả (1 sào đặt khoảng 5 - 6 bả); cứ 3 - 5 ngày nhúng tẩm lại dung dịch bả một lần; chiều cao đặt bả nên treo trên cọc có chiều cao khoảng 80 - 120 cm để thuận lợi bướm di chuyển đến bẫy.

Cảnh báo: Khi cắm bẫy bả chua ngọt phải cắm biển, ghi thông tin cảnh báo nguy hiểm trên các hộp đựng bẫy bả để tránh trẻ em, người lớn uống nhầm gây ngộ độc; theo dõi ghi số lượng trưởng thành vào bẫy bả hàng ngày để xác định thời gian trưởng thành rộ và dự báo thời gian sâu non nở; thường xuyên thay, tẩm dung dịch bả (3 - 5 ngày/ lần).

Tin, ảnh: Cao Bá Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết