Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng – Một chính sách, nhiều hiệu quả

10:40 31-10-2019 | :909

Laocaitv.vn - Nậm Cang, huyện Sa Pa là 01 trong 115 xã toàn tỉnh Lào Cai có tiền dịch vụ môi trường rừng, nguồn kinh phí này đã giúp chính quyền địa phương và mỗi hộ dân có thêm nguồn lực để phát triển. Từ khi có nguồn dịch vụ môi trường rừng, hơn 9 tỷ đồng đã được chi trả để Nậm Cang làm tốt hơn nữa việc trồng và bảo vệ rừng.

Cụm camera giám sát được lắp đặt trên đường vào thôn Nậm Cang 1.

Cụm camera giám sát được lắp đặt trên đường vào thôn Nậm Cang 1, với kinh phí đầu tư hơn 50 triệu đồng được trích từ nguồn dịch vụ môi trường rừng năm 2018. Trên phạm vi toàn thôn, mỗi cột điện cũng được lắp 01 bóng điện chiếu sáng. Việc làm trên không những đảm bảo an ninh cho toàn thôn, mà còn giúp cho người dân theo dõi, phát hiện khi có người vào địa phương khai thác lâm sản trái phép, giúp bảo vệ tốt hơn những cánh rừng. Ông Phàn Phú, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Cang 1, xã Nậm Cang, huyện Sa Pa chia sẻ: "Sau khi có dịch vụ môi trường rừng năm 2018, xã đã triển khai để họp dân. Các hộ dân nhất trí ký biên bản lắp camera để bảo vệ rừng tốt hơn. Toàn thôn có đến 70% diện tích rừng là rừng tự nhiên, trong rừng có rất nhiều tài nguyên như: Dược liệu, gỗ pơ mu... Có một số người hay lấy gỗ, cắt thành khúc nhỏ đi bán, vì vậy lắp camera giám sát sẽ quản lý tốt hơn".

Cách đây 05 năm, xã Nậm Cang, huyện Sa Pa được biết đến là địa phương điển hình về xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai. Nhưng điều làm cho xã Nậm Cang phát triển bền vững lại được bắt nguồn từ một quyết định vô cùng quan trọng, đó là phải giữ được rừng. Nhờ giữ được rừng mà từ năm 2012 đến nay, địa phương này được hưởng thêm nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng, bổ sung phần tài chính quan trọng cho chính quyền và người dân địa phương trong phát triển kinh tế và xây dựng các phương án bảo vệ rừng một cách hiệu quả. Tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2018 lại được gia đình anh Tẩn Y Dùng ở thôn Nậm Cang 2 đầu tư cho phát triển kinh tế lâm nghiệp. Việc quyết định trồng quế theo anh Dùng là rất cần thiết và nên làm. Bởi thực tế, giá thảo quả khô những năm gần đây không ổn định, hơn nữa, do biến đổi khí hậu, băng tuyết nhiều nên thảo quả bị chết. Nhiều năm mới khôi phục được nhưng cho quả không đều, dẫn đến nguồn thu nhập của nông dân không ổn định. Sẽ phải mất 03 đến 04 năm nữa, những cây quế này mới mang lại nguồn thu từ việc bán tỉa cành lá, nhưng theo anh Dùng, việc trồng quế gắn với bảo vệ rừng chính là cách lựa chọn làm kinh tế bền vững.

Nguồn dịch vụ môi trường rừng sẽ giúp bà con tích cực trồng và bảo vệ rừng.

Nguồn dịch vụ môi trường rừng được chi trả hằng năm, là điều kiện để bà con tích cực trồng và bảo vệ rừng. Phát huy lợi thế, tranh thủ nguồn lực, Nậm Cang đang bứt phá mạnh mẽ trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, mà thành công lớn nhất là việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với bảo vệ, phát triển rừng bền vững./.

 Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết