Laocaitv.vn - Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó trọng tâm là chuyển đổi cây trồng phù hợp, đang được các địa phương chỉ đạo thực hiện. Kết quả đạt được không những góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, mà còn làm thay đổi tư duy của người nông dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.
Vườn thanh long của gia đình anh Quý.
Với hơn 500 gốc thanh long, trên 10 ha rừng, trong đó, loại cây cho giá trị kinh tế là quế chiếm tới hơn 5 ha và đang cho thu hoạch. Nguồn thu tính trong 02 năm gần đây của gia đình anh Nguyễn Đức Quý, thôn Hàm Rồng, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên dao động từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Có được thành công này là do gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng nhận được sự quan tâm khuyến khích, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Anh Quý chia sẻ: "Mới đầu mình làm ít, còn kém lắm, phải vay vốn ngân hàng để đầu tư. Qua thời gian mình trồng thanh long, quế tạo cho gia đình nguồn thu nhập ổn định".
Nhìn rộng trên địa bàn xã Việt Tiến, những năm gần đây, một số mô hình mới như: Trồng cây ăn quả, phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là trồng dâu nuôi tằm được địa phương khuyến khích bà con thực hiện và mang lại thành công. Ông Trần Bá Quả, Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên cho biết: "Xã có nhiều điều kiện tự nhiên tốt, như nhiều bãi màu, triền đồi, vì vậy vừa qua chúng tôi chỉ đạo trồng dâu nuôi tằm. Bên cạnh đó chúng tôi xác định mũi nhọn của xã là phát triển kinh tế lâm nghiệp, vì vậy khuyến khích các hộ trồng rừng".
Cũng nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình bà Vi Thị Ngân, thôn Tông Pháy, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn đã chuyển một phần ruộng canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng mía. Đồng thời, toàn bộ diện tích vườn tạp được chuyển sang trồng mận, vải thiều cách đây ít năm, giờ đã bắt đầu cho thu hoạch, mang lại nguồn thu mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Nông dân xã Văn Sơn, huyện Văn Bàn làm giàu từ trồng cây mía tím.
Trên thực tế, những năm qua chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo thực hiện. Cùng với chủ trương đúng thì tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích kịp thời, tạo nguồn lực cho các địa phương triển khai. Và kết quả đạt được thể hiện bằng những con số rất ấn tượng. Cụ thể, với việc chuyển đổi, đưa các giống lúa mới vào canh tác, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, năm 2019, tổng sản lượng lương thực có hạt trên địa bàn đã đạt trên 330.800 tấn, cơ bản mục tiêu đề ra. Đặc biệt, với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giá trị canh tác, giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích canh tác của Lào Cai đã đạt 75,1 triệu đồng/ha, vượt cao so với kế hoach. Sản xuất vụ đông, tăng vụ 3 trên chân ruộng 2 vụ lúa tiếp tục được mở rộng, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân nông thôn. Hết năm 2019, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/người, dự kiến hết năm 2020 đạt trên 30 triệu đồng/người, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: "Lào Cai có trên 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, dân số ở khu vực này rất lớn, nhưng thu nhập khu vực nông thôn khó khăn hơn vùng khác, nhất là vùng cao. Việc đạt trên 26 triệu đồng/người/năm là rất quan trọng. Nhờ đó mà cải thiện đời sống bà con nông dân khu vực nông thôn, xóa dần khoảng cách nông thôn và thành thị, đồng thời đóng góp vào xây dựng nông thôn mới và đóng góp chung vào thu nhập chung của tỉnh".
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi không chỉ góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, mà còn đảm bảo cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của Lào Cai đạt và vượt kế hoạch đề ra. Phát huy kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đây cũng là hướng đi chính mà các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở quyết tâm thực hiện, tạo đà để bức tranh nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc./.
Phương Liên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết