Đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên làm chủ cuộc sống

08:59 18-09-2021 | :533

Laocaitv.vn - Sau 30 năm tái lập, cùng với sự phát triển chung của toàn tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số đã làm chủ công nghệ khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm đóng góp cho gia đình và xã hội. Nhiều mô hình kinh doanh sản xuất giỏi của đồng bào dân tộc thiểu số được áp dụng và nhân rộng tại địa phương là minh chứng khẳng định nhận thức của bà con trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là yếu tố quyết định thành công.

 
Cơ sở nuôi cá nước lạnh tại xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa.
 
Những “kỹ sư” nông dân ở xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, họ tự học hỏi, làm chủ kỹ thuật để nuôi cá nước lạnh vốn đòi hỏi trình độ và kiến thức nhất định. Hiện toàn xã Ngũ Chỉ Sơn có tới 48 cơ sở nuôi cá nước lạnh do người dân bản địa đầu tư phát triển, chủ yếu với quy mô vừa và nhỏ, một số cơ sở đã cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Chảo Lào Tả, thôn Can Hồ, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: “Trước đây chúng tôi ở đây chỉ làm nông nghiệp thuần túy, từ năm 2015 đến nay gia đình nuôi thêm cá nước lạnh. Từ giữa năm 2015 thì gia đình tôi bắt cá giống về nuôi và tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc”.
 
Còn hợp tác xã của Anh Triệu Phúc Lý, một chàng trai người Dao đỏ giàu nghị lực, dám nghĩ, dám làm góp phần đưa hương quế bay xa. Trong khi hiện nay không có nhiều cơ sở chế biến sản phẩm từ vỏ quế thì anh đã mạnh dạn thành lập hợp tác xã để xuất khẩu quế đã sơ chế cho các công ty nước ngoài. Anh Triệu Phúc Lý, Giám đốc HTX Chiến Thắng, huyện Bảo Thắng cho biết: “Tôi suy nghĩ muốn làm được việc này thì phải thành lập hợp tác xã, có thành viên cùng nhau thu mua với khối sản phẩm lớn để sơ chế và bán sản phẩm với số lượng nhiều thì mới bán được giá trị cao”.
 
 
Anh Triệu Phúc Lý (giữa ảnh) đã mạnh dạn thành lập HTX để xuất khẩu quế đã sơ chế cho các công ty nước ngoài.
 
Đây chỉ là 2 tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn người đã và đang năng động áp dụng cách làm mới nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định trong vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 9.200 hộ người dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết: “Từ chỗ đồng bào chủ yếu sống dựa vào tự nhiên, sống dựa vào nương rẫy, thì đến nay thay đổi về quan điểm cũng như nhận thức trong sản xuất đã giúp cho đồng bào hướng tới phát triển kinh tế hàng hóa và giao thương giữa các vùng đồng bào”.
 
Để quê hương chuyển mình mạnh mẽ từ vùng đất nghèo khó, hoang tàn, đổ nát kể từ thời điểm tái lập cách đây 30 năm, trở thành vùng động lực phát triển nơi biên giới, điểm sáng ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, có phần góp sức không nhỏ của những hộ sản xuất kinh giỏi trong cộng đồng các dân tộc Lào cai.
 
Ngọc Minh
 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết