Gỡ khó cho Nhân dân trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu

09:12 17-08-2022 | :389

Laocaitv.vn - Là 1 trong 3 loại cây chủ lực của Si Ma Cai, thời gian qua, diện tích dược liệu của địa phương này được mở rộng. Qua đó, mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của bà con vùng cao. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì các chính sách hỗ trợ cần được quan tâm triển khai để bà con yên tâm gắn bó với loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao này.

Ruộng đương quy của gia đình chị Vũ Thị Nhung (ảnh trên), xã Quan Hồ Thẩn, năm 2021, được hỗ trợ về giống, phân bón và bạt che thuộc Chương trình 30a của Chính phủ, gia đình trồng được 1,2 ha cây đương quy. Sau 1 vụ cho thu hoạch khoảng 7 tấn đương quy, giá bán thời điểm đó 20.000 đồng/kg là nguồn thu khá lớn, cao hơn từ 5 đến 6 lần so với trồng ngô,lúa. Vì vậy, gia đình chị Nhung quyết tâm gắn bó lâu dài với cây dược liệu. Chị Nhung chia sẻ: "Việc hỗ trợ của Nhà nước về phân bón, bạt, cây giống tác động rất tốt tới tinh thần sản xuất của bà con. Khi được hỗ trợ như thế thì sẽ bớt chi phí để đầu tư vào cây con giống".

Năm nay, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được thực hiện theo Nghị quyết số 26 của HĐND tỉnh. Trong đó, riêng dược liệu mức hỗ trợ là 15 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, bà con đang gặp khó trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ này do các điều kiện đi kèm. Ông Vũ Văn Khanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: "Đối với Nghị quyết số 26 của tỉnh Lào Cai áp dụng đối với vùng cao Si Ma Cai là tương đối khó khăn. Bởi quy mô diện tích đòi hỏi phải lớn. Đối với huyện thì do địa hình vùng cao, manh mún lên khi áp dụng thì bà con gặp khá nhiều khó khăn".

Các chính sách hỗ trợ cần được quan tâm triển khai để bà con yên tâm gắn bó với cây dược liệu.

Giai đoạn từ năm 2022 đến 2025, UBND huyện Si Ma Cai đã xây dựng kế hoạch mỗi năm mở rộng diện tích trồng mới từ 30 đến 40 ha dược liệu. Để đạt mục tiêu này, địa phương lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ, đặc biệt là nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng để bà con có thêm nguồn lực mở rộng diện tích canh tác. Ông Lý Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: "Nhân dân các xã vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Do người dân đăng ký trồng loại cây trồng này thì còn manh mún, nhỏ lẻ. 2 nữa là Nhân dân chưa mặn mà trong việc tìm đầu ra cũng như các sản phẩm để được hỗ trợ 15 triệu/ha. Trong thời gian tới thì chúng tôi sẽ tiếp tục vận động Nhân dân trồng cây dược liệu liền vùng, liền khoảnh. Hướng dẫn các thủ tục cho dân thủ hưởng các chính sách một cách tốt nhất".

Dược liệu đang cho thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống. Do vậy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm sẽ giúp bà con vùng cao yên tâm gắn bó với loại cây trông này./.

Vinh Quang – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết