Khó khăn trong việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật

22:30 17-09-2021 | :563

Laocaitv.vn - Thuốc bảo vệ thực vật là vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, giúp phòng trừ sâu bệnh và nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên sau mỗi vụ sản xuất, bà con nông dân sử dụng và thải ra môi trường một lượng lớn bao bì thuốc bảo vệ thực vật, trong khi việc thu gom, xử lý loại rác thải này lại đang gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Ghi nhận tại huyện Văn Bàn.

Bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xong bà Khuyên đều bỏ vào hố rác. 

Gia đình bà Hà Thị Khuyên đã canh tác lúa lâu năm trên cánh đồng thôn Loạc, xã Võ Lao. Mỗi vụ lúa gia đình bà sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, trừ cỏ, nhưng thói quen từ xưa đến nay là cứ pha thuốc ở đâu vứt vỏ ở đó. Từ khi các hố rác bằng bê tông được xây dựng dọc trục đường, bờ mương trên cánh đồng, việc gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã thành thói quen với bà và nhiều hộ dân trong thôn. Bà Hà Thị Khuyên, thôn Loạc, xã Võ Lao, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Cái hố này được lắp năm ngoái hay năm kia gì đấy, nói chung bây giờ pha thuốc xong bà con cũng bỏ vào đấy. Hố đầy quá nên bà con tự đốt đi".

Với 23 hố chứa thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được xây dựng theo các tuyến đường nội đồng trên địa bàn xã Võ Lao đã góp phần giảm đáng kể tình trạng người dân vứt bừa bãi bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Tuy nhiên địa phương lại đang gặp khó khăn trong khâu xử lý bao bì sau khi đã được thu gom. Ông Doãn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Lao, huyện Văn Bàn cho biết: "Cái khó khăn của chúng tôi là trong quá trình xử lý. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm để cùng với xã xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường".

Người dân thôn Loạc đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Theo Thông tư liên tịch số 05/2016 của Bộ Nông nghiệp và Bộ Tài nguyên môi trường: Với tổng diện tích canh tác lúa nước của huyện Văn Bàn khoảng 3.000 ha sẽ tương ứng với khoảng 1.000 bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật cần được xây dựng. Tuy nhiên con số thực tế đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu do địa phương không tiếp cận được kinh phí để triển khai xây dựng bể mà chủ yếu được thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: "Việc thu gom vận chuyển thì không thực hiện được rồi. Chúng tôi phối hợp với các xã tổng hợp số lượng, đề xuất với Chi cục Bảo vệ thực vật để định kỳ thu gom. Chúng tôi đề nghị các cấp bố trí nguồn kinh phí nhất định để xây dựng các bể chứa thu gom, hỗ trợ kinh phí vận chuyển bao bì để thường xuyên định kỳ thu gom xử lý".

Để bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân, góp phần thực hiện hiệu quả Tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, cần có sự hướng dẫn của ngành chức năng, sự chỉ đạo của chính quyền các địa phương và ý thức của mỗi người dân để thực hiện tốt việc thu gom, vận chuyển, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.

Huyền Trang – Minh Dũng

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết