Khuyến cáo phòng tránh ngộ độc hữu cơ khi cấy lúa mùa

19:33 25-06-2019 | :1117

Laocaitv.vn - Hiện tượng ngộ độc hữu cơ trên cây lúa thường xảy ra vào vụ mùa vì khoảng thời gian giữa hai vụ rất ngắn, khiến rơm, rạ chưa kịp thối ngấu; lượng rơm rạ còn tồn dư trên đồng ruộng sẽ tiếp tục sản sinh ra một số khí độc, làm cho cây lúa bị còi cọc, lá biến vàng, rễ bị đen.

 

Người dân cần khẩn trương làm đất, đảm bảo đủ thời gian rơm rạ thối ngấu để phòng tránh ngộ độc hữu cơ khi cấy lúa mùa.

Để hạn chế ảnh hưởng của hiện tượng nghẹt rễ, ngộ độc hữu cơ và nâng cao năng suất cho lúa mùa, ngay sau khi thu hoạch xong lúa xuân, bà con nông dân cần khẩn trương làm đất ngay, đảm bảo đủ thời gian để rơm rạ thối ngấu và kịp khung thời vụ gieo cấy. Trên thực tế, các hộ chủ yếu gặt ngang lưng cây lúa, lượng rơm rạ để lại trên đồng ruộng rất lớn, dễ dẫn đến hiện tượng lúa bị ngộ độc hữu cơ. Do đó, khi thu hoạch lúa xong nên sử dụng các chế phẩm kết hợp với vôi bột để xử lý rơm rạ. Áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI với việc điều tiết nước hợp lý để cây lúa sinh trưởng.

Đối với một giống lúa có thời gian sinh trưởng vụ mùa ngắn hơn so với vụ xuân. Nếu bón phân muộn, cây lúa không chỉ dễ bị sâu bệnh hại mà còn có thể xảy ra hiện tượng vừa đẻ nhánh vừa làm đòng, năng suất thấp. Vì vậy, cần áp dụng phương châm là bón lót sâu, thúc sớm, tập trung và bón phân cân đối, đầy đủ, từ đó giúp lúa cứng cây, khỏe mạnh ngay từ đầu vụ. Ở vụ mùa, cây lúa thường bị một số sâu bệnh hại chính như sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy, ốc bươu vàng; bệnh bạc lá, khô vằn, nghẹt rễ… Trong chăm sóc lúa cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm sâu bệnh để phòng, trừ kịp thời theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật.

Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết