Kinh tế ban đêm - sức hút khó cưỡng

16:39 23-10-2019 | :1254

Laocaitv.vn - Kinh tế ban đêm (Night-time economy) được hiểu là các hoạt động kinh tế diễn ra vào khoảng thời gian từ 18h00’ tối ngày hôm trước đến 06h00’ sáng ngày hôm sau.

Kinh tế ban đêm (KTBĐ) kéo dài thời gian hoạt động hiện có để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và tạo ra nhiều việc làm mới. KTBĐ bao gồm các hoạt động: Giải trí, du lịch, ẩm thực, mua sắm. Cần lưu ý, các hoạt động vào ban đêm có tính chất nghề nghiệp như: Sản xuất trong nhà máy, các hoạt động giáo dục, y tế, vận tải, xây dựng, giao dịch qua mạng… không được xem là KTBĐ. Tuy vậy, hoạt động KTBĐ sẽ kéo theo sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ khác khá đa dạng như: Khách sạn, vệ sinh, bán hàng, giao thông, vận tải, y tế, an ninh…

Kinh tế học hiện đại đã chứng minh lợi ích của KTBĐ đối với phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, cụ thể: Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và tạo ra công ăn việc làm, đóng góp vào ngân sách địa phương; tạo ra động lực phát triển nghệ thuật, giữ gìn văn hóa; tạo dư địa cho các ngành kinh tế du lịch, bán lẻ, ẩm thực, đồ uống, thực phẩm, vận tải hành khách…; kích thích tiêu dùng nội địa và khai thác toàn dụng các động lực cho tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, cũng phải thừa nhận KTBĐ sẽ kéo theo khá nhiều tác động tiêu cực nếu không được quy hoạch và quản lý tốt, nhất là an ninh, trật tự, mại dâm, bảo kê, buôn lậu…

Trên thế giới, phát triển KTBĐ ở các quốc gia được biểu hiện rõ nét tại các đô thị, thành phố lớn, đặc biệt là các địa bàn tập trung hoạt động du lịch. Chẳng hạn, tại Hoa Kỳ có Las Vegas, New York…; tại Trung Quốc có Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến; tại Pháp có Paris, Toulouse; tại Úc có Sydney… Tất nhiên, trong các siêu đô thị đó sẽ có các điểm đến nhỏ hơn, tương đương quy mô quận, khu, tiểu khu, phường, tuyến phố… diễn ra hoạt động KTBĐ chứ không phải trên toàn bộ đô thị. Hầu hết các quốc gia đều phân quyền mạnh cho các cấp chính quyền địa phương trong quy hoạch và phát triển KTBĐ theo địa bàn quản lý, nên tại các cấp hành chính nhỏ như khu, quận, huyện thuộc vùng, tỉnh, thành phố ở nhiều nơi KTBĐ phát triển riêng biệt, sôi động.

Phố đi bộ ban đêm tại thành phố Kiến Thủy (Vân Nam, Trung Quốc).

Hiện nay, rất nhiều nước đã phê duyệt các chiến lược dài hơi phát triển KTBĐ bài bản, điển hình là các tuyên bố của các nước: Trung Quốc xây dựng “Đêm Bắc Kinh”; Anh xây dựng “Thành phố London 24h”, Úc xây dựng “Sydney - thành phố toàn cầu về đêm”… Và các cấp chính quyền hành chính phía dưới đã, đang và sẽ triển khai những giải pháp cụ thể thực hiện tham vọng lớn.

Phát triển KTBĐ đã hình thành tại Việt Nam ở một số trung tâm du lịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Hội An, Hạ Long, Sa Pa… dưới các hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, chợ đêm, giải trí đường phố... Cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch, trên 1.000 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24h. Hằng năm, Việt Nam thu hút khoảng 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế và hàng trăm triệu lượt du khách nội địa. Theo khảo sát không chính thức thì khách du lịch tiêu dùng ban ngày chỉ 30% và ban đêm lên đến 70%; trong 9 ngày lưu trú ở Việt Nam khách tiêu khoảng 96 USD và cũng trong 9 ngày ở Thái Lan họ tiêu tới 163 USD. Điều này cho thấy dư địa để khai thác du lịch từ KTBĐ tại Việt Nam còn rất lớn. Tuy vậy, rõ ràng các hoạt động KTBĐ ở Việt Nam vẫn khá nghèo nàn, đơn điệu, chưa được tổ chức chuyên nghiệp và chưa tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp.

Phố đi bộ ban đêm tại thành phố Lào Cai.

Tại Lào Cai, về đêm có “chợ tình” Sa Pa truyền thống lâu đời rất hấp dẫn du khách, gần đây có thêm chợ đêm Sa Pa cũng tương đối có tiếng, chợ đêm bản sắc tại huyện Mường Khương, chợ đêm văn hóa tại huyện Bắc Hà, không gian phố đi bộ tại thành phố Lào Cai và các hoạt động kinh tế về đêm khác đều mang tính chất KTBĐ. Dù nhỏ bé, dù chưa bài bản nhưng đã thể hiện rõ xu thế KTBĐ là tất yếu, muốn hay không nó vẫn sẽ đến. Vì vậy, nếu chủ động, nếu có chiến lược, nếu quy hoạch tốt sẽ biến xu thế này thành lợi thế và động lực cho sự phát triển. KTBĐ rõ ràng vừa là tất yếu, vừa là thách thức, lại là cơ hội tác động vào quá trình Lào Cai không thể hoặc có thể phát triển vươn lên thành điểm nhấn “nên đến - cần đến - phải đến” trên bản đồ du lịch quốc gia, quốc tế.

KTBĐ ở Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng đều đang rất cần được quan tâm đúng tầm, cần được nhận thức đầy đủ, cần có chiến lược phát triển hài hòa ở cấp quốc gia, cấp ngành hay cấp tỉnh, huyện.

Cao Bá Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết