Làm gì để hạn chế tình trạng “ được mùa mất giá” ?

08:12 18-06-2018 | :670

Laocaitv.vn - Trong muôn vàn khó khăn của sản xuất nông nghiệp hiện nay thì việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản, làm sao để người nông dân vơi nỗi lo “được mùa mất giá” luôn là trăn trở của các cấp, ban ngành, chính quyền các địa phương và của chính những người nông dân. Trước thực tế này, nhiều người nông dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã chủ động tìm ra những hướng đi mới. 

Ấn tượng đầu tiên khi đến với trang trại của ông Vũ Xuân Khánh, ở thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng chính là hàng chục ha đất đồi đều trải dài một mầu xanh ngút ngàn của đồi cây vườn rừng. Những vườn cây trái phát triển tốt tươi, cây nào cây đấy đều trĩu quả trên cành. Bên cạnh những loại cây trồng truyền thống đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông nhiều năm qua như: 10 ha quế, hàng nghìn gốc Thanh Long ruột đỏ, hàng trăm gốc chanh tứ mùa…, thì thời gian gần đây trong khu trang trại này còn xuất hiện thêm nhiều loại cây trồng mới với quy mô từ hàng trăm đến hàng nghìn gốc như: Bưởi đào, mít nghệ tứ quý, đinh lăng nếp… Để thực hiện trồng thành công các giống cây trồng mới, ông Vũ Xuân Khánh đã phải dành rất nhiều thời gian học hỏi, nghiên cứu kỹ thuật trồng và chăm sóc. Việc đưa các giống cây trồng mới, chưa được phổ biến tại địa phương vào trồng tại trang trại của gia đình đã giúp ông không còn phải đối diện với nỗi lo “được mùa mất giá”, bởi các sản phảm làm ra đều được tiêu thụ một cách dễ dàng, với giá bán tương đối cao. Với cách làm này trung bình mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập lên đến hàng tỷ đồng.

Cây mít nghệ được trồng tại huyện Bảo Thắng

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, cùng với thực hiện đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, nhiều người nông dân đã chủ động nghiên cứu áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để cây trồng ra quả trái vụ. Điều này vừa giúp người nông dân không phải lo đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, thậm chí có thu nhập rất cao. Sự thành công của việc đưa các giống cây trồng mới, trái mùa vào trồng của một số hộ nông dân, đã mở ra triển vọng và thúc đẩy nhiều bà con nông dân khác làm theo. Nhưng trong quá trình thực hiện hộ sau lại chủ động chọn các loại cây trồng khác phù hợp với điều kiện đất đai của gia đình hơn. 

Người nông dân đã chủ động nghiên cứu áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để cây trồng ra quả trái vụ

Anh Dương Anh Đức, thôn Tòng Già, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng cho biết: Trước đây diện tích đất này anh trồng chủ yếu là giống bưởi địa phương, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Vì thế, qua học hỏi từ rất nhiều kênh khác nhau như: Các hộ trồng trước trên địa bàn; qua sách, báo, phương tiện thông tin đại chúng; về tận đất tổ của các loại cây này để tham quan, học hỏi; mời các chuyên gia về nông nghiệp đến tư vấn và hỗ trợ. Năm 2010, anh đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích đất của gia đình sang trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Vinh… Đồng thời với việc thực hiện đúng quy trình chăm sóc, anh tận dụng phần chuồng từ chăn nuôi qua xử lý bằng men vi sinh để bón cho cây. Điều này đã giúp cây trồng sinh trưởng nhanh, phát triển mạnh, ít sâu bệnh và tỷ lệ đậu quả cao. Hiệu quả kinh tế vì vậy cũng cao hơn rất nhiều, trung bình mỗi năm đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu cả trăm triệu đồng.

Cùng với sự cố gắng của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành trong việc nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm của người nông dân như: Kết nối tìm thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao…., thì chính sự cố gắng, tinh thần ham học hỏi tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con nông dân nhằm tạo ra các sản phẩm mới, lệnh thời vụ… sẽ là lời giải khá thích hợp cho bài toán “được mùa, mất giá” hiện nay. Đồng thời giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực đóng góp xây dựng và phát triển quê hương. Đây cũng là cách làm cần được các ngành, chính quyền các địa phương quan tâm, hỗ trợ phát triển.

Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết