Làm sao để người dân thay đổi tập quán độc canh cây lúa?

13:03 27-05-2019 | :402

Laocaitv.vn - Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa - dịch vụ được thành phố Lào Cai xác định là giải pháp quan trọng giúp các xã vùng ven giảm nghèo nhanh và hiệu quả. Từ chủ trương đó, thành phố đã tập trung các nguồn lực, xây dựng các mô hình điểm, mở các lớp tập huấn để tạo môi trường, điều kiện cho người dân được tiếp cận, nắm bắt các phương thức canh tác mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vườn dưa lưới của ông Lê Văn Vượng là một trong số ít vườn dưa đạt các tiêu chuẩn đánh giá công nghệ cao của tỉnh

Vườn dưa lưới của ông Lê Văn Vượng ở tổ 9, phường Nam Cường là một trong số ít vườn dưa đạt các tiêu chuẩn đánh giá công nghệ cao của tỉnh. Đón đầu nhu cầu thị trường, ông Vượng nhận thấy, trồng dưa lưới cho thu nhập cao, nhưng đổi lại, công chăm sóc lớn và đòi hỏi nhiều kỹ thuật khó. Ông Lê Văn Vượng, tổ 9, phường Nam Cường, TP Lào Cai chia sẻ: "Năm 2017 tôi trồng thử nghiệm vụ dưa đầu tiên, tôi thấy hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, trồng rau và một số cây trồng khác. Giia đình tôi có tổng 400 m2 được Nhà nước hỗ trợ 165 triệu đồng. Tôi vẫn tiếp tục nâng cao kỹ thuật trồng dưa và đầu tư theo công nghệ cao để dưa đạt chất lượng tốt nhất".

Tại khu vực ven đô, thành phố Lào Cai tập trung chỉ đạo nông dân thay đổi tập quán độc canh cây lúa mà cần phải nâng cao giá trị sử dụng đất canh tác trên mỗi diện tích ha sử dụng. Để thực hiện chủ trương này, thành phố Lào Cai đã triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi mô hình sản xuất, cứ 1 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hỗ trợ 30 triệu đồng, 1 ha trồng lúa năng suất thấp chuyển sang nuôi cá hay làm dịch vụ được hỗ trợ 5 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ về chi phí và kiến thức của các cán bộ chuyên môn, toàn bộ khu đất của gia đình ông Lê Viết Phú ở thôn Sơn Lầu, xã Cam Đường đã trở thành trang trại du lịch sinh thái, tạo nguồn thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Ông Lê Viết Phú, thôn Sơn Lầu, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai cho biết: "Trước kia khu vực ao này là ruộng, cán bộ xã đến vận động gia đình tôi chuyển đổi sang làm kinh tế và gia đình tôi chọn làm trang trại du lịch sinh thái, để có trang trại này, gia đình tôi cũng mất rất nhiều công sức gây dựng, nhưng đến nay tôi thấy cũng tương đối hiệu quả".

Từ 1 khu đất ruộng nay đã biến thành trang trại du lịch sinh thái

Cũng nhờ có sự hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và cho vay vốn từ chủ trương hỗ trợ chuyển đổi sản xuất của thành phố mà gia đình bà Lê Thị Phượng đã gây dựng được cơ sở nuôi thỏ lấy thịt lớn nhất thành phố Lào Cai. Với việc nuôi thỏ công nghệ cao bằng việc sử dụng con giống tốt, thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, có chuồng nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn phòng bệnh đã giúp bà Phượng có thu nhập từ 10 đến 15 triệu mỗi tháng từ bán thỏ thương phẩm và thỏ giống. Bà Lê Thị Phượng , thôn Sơn Lầu, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai chia sẻ: "Hiện giờ tôi muốn mở rộng thêm diện tích nuôi thỏ, để đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời mong muốn có các hộ khác cùng nuôi thỏ để thương lái đến thu mua có thể thu mua đủ số lượng, chứ như hiện giờ số lượng ít thì họ ngại đến".

Ông Mai Đình Định, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lào Cai cho biết: "Từ năm 2015 thành phố Lào Cai đã có 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chúng tôi không dừng lại ở đó mà xây dựng các tiêu chí cao hơn là các tiêu chí về thôn kiểu mẫu, những thôn dễ sẽ làm trước. Hiện chúng tôi đang tập trung chỉ đạo các xã, phấn đấu đến 30/6 đạt được tiêu chí của Chính phủ về công nhận các thành phố, huyện đạt tiêu chí nông thôn mới".

Qua thực tế triển khai Đề án số 07 về phát triển nông nghiệp chất lượng cao của thành phố Lào Cai đã tạo sự dịch chuyển cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển dịch vụ, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân các xã vùng ven của thành phố.

Ngọc Hà – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết