Liên kết sản xuất, tiêu thụ - sẽ tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa nông sản an toàn, bền vững

09:36 13-01-2019 | :740

Laocaitv.vn - Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang giúp các doanh nghiệp, HTX, tổ nhóm nông dân cùng sở thích tạo ra khối lượng và chất lượng sản phẩm tốt hơn. Trong ba năm trở lại đây, tỉnh Lào Cai đã dành nhiều nguồn lực, hỗ trợ các địa phương xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Với cách làm này, Lào Cai hiện đã có 39 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản với gần 200 dòng sản phẩm được truy xuất nguồn gốc điện tử. Đây là điều kiện để nông sản Lào Cai có mặt ở nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bắp cải cuộn trái vụ của bà con nông dân huyện Bắc Hà

Ở các tỉnh miền xuôi, nếu trồng được rau bắp cải cuộn tròn vào cuối tháng 9 hàng năm là điều không tưởng, nhưng với những nông dân vùng cao, việc làm đó đang là hiện thực. Trồng rau trái vụ nay được áp dụng công nghệ đã tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, có thị trường tiêu thụ ổn định, mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân.

Chị Lý Thị Hạnh ký kết hợp đồng với Công ty Thiên Trường về bao tiêu sản phẩm bắp cải

Mọi quy trình từ việc làm đất, xuống giống chị Hạnh đều có cán bộ kỹ thuật của công ty hỗ trợ

Bản hợp đồng kinh tế giữa chị Lý Thị Hạnh ở thôn Sín Chải A xã Na Hối, huyện Bắc Hà với đại diện Công ty Thiên Trường được xem là một điển hình cho sự chuyển đổi hệ tư tưởng của người dân vùng cao. Quyết định không trồng ngô hè thu như mọi năm mà bắt đầu từ tháng 8, chị Hạnh đã trồng 20.000 cây bắp cải. Điều kiện thời tiết vùng cao có nhiều khắc nghiệt như mưa nhiều, độ ẩm cao, vì thế mà mọi quy trình từ việc làm đất, xuống giống chị Hạnh đều có cán bộ kỹ thuật của công ty hỗ trợ. Nhờ đó, sau gần 3 tháng, khi đạt tiêu chuẩn thu hoạch, Công ty Thiên Trường đã mua toàn bộ lượng bắp cải với mức giá 14.000 đồng/kg. 20.000 cây bắp cải đạt tổng sản lượng trên 23 tấn, mang về nguồn thu cao gấp nhiều lần so với trồng ngô.

Tỉnh Lào Cai đã có quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp UDCNC tại huyện Sa Pa và Bắc Hà với 500ha

Được ưu đãi về khí hậu nên nhiều vùng của Lào Cai có điều kiện để trồng rau công nghệ cao. Tỉnh Lào Cai cũng đã có quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có vùng sản xuất rau với khoảng 500 ha tại Sa Pa và Bắc Hà, sử dụng các giống rau chất lượng cao như bắp cải, cà chua, xà lách, súp lơ. Đồng thời, tận dụng quỹ đất để sản xuất rau trái vụ, rau bản địa, tạo ra sản phẩm có chất lượng và có lợi thế cạnh tranh cao. Được tư vấn về kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp, HTX đã chủ động đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính và quy trình chăm sóc, có quản lý dịch hại để tạo ra khối lượng sản phẩm đủ lớn, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam và các nước có nhu cầu nhập khẩu. Thực tế cho thấy, khi phát triển các chuỗi rau được sản xuất theo tiêu chuẩn thì những hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp tiêu thụ và các đầu mối là HTX sản xuất hay nhóm hộ nông dân là cần thiết. Bởi từ đây, các doanh nghiệp sản xuất sẽ có được đơn hàng với số lượng đủ lớn, chất lượng đảm bảo, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Lào Cai cũng đang có nhiều cơ chế, chính sách rộng mở mời gọi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các chủ trang trại có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tới đầu tư, liên kết với nông dân vùng cao trồng rau công nghệ cao. Mỗi sản phẩm rau công nghệ cao muốn có thị trường ổn định cần phải có nhãn hiệu, lô gô, thương hiệu, kèm theo đó là chỉ dẫn địa lý và có các chứng nhận an toàn. Việc quảng bá, giới thiệu trên nhiều kênh thông tin khác nhau là cần thiết để khách hàng biết và tìm kiếm sản phẩm và khi đó, nông dân sẽ có điều kiện tốt hơn để đầu tư mở rộng quy mô, diện tích và tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Áp dụng công nghệ cao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn và với số lượng lớn. Khi đó, giá trị của sản phẩm sẽ cao hơn. Tại Lào Cai, trồng rau ứng dụng công nghệ cao sẽ tập trung vào các loại rau bản địa, rau trái vụ nhằm xây dựng thương hiệu cho các loại rau này.

Mỗi sản phẩm đều phải có nhãn hiệu, logo, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và có các chứng nhận an toàn

Để việc trồng rau trái vụ canh tác theo công nghệ cao phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đang tiến hành rà soát, quy hoạch vùng đất phù hợp và tính toán khung thời vụ tốt nhất để các loại rau sinh trưởng, phát triển tốt. Vì nếu trồng muộn, trùng thời điểm với vụ rau sớm vùng thấp, rau vùng cao sẽ thất bại vì không thể cạnh tranh về giá bán. Rau trái vụ bán được giá nhất là vào thời điểm từ tháng 8 cho tới tháng 10, tổng thời gian gieo trồng một nứa chừng 5 tháng, nếu khéo, có thể trồng sớm để thành 2 lứa. Biện pháp hiệu quả nhất để vừa tránh được mưa, lại phòng tránh được sâu bệnh, tăng năng suất cây trồng là làm nhà lưới, nhà màng. Khi chuyển sang mùa đông, trồng rau bản địa như rau cải mèo, khù khởi, đậu Hà Lan, những loại rau đặc sản được ưa chuộng trên thị trường thì vẫn đạt giá trị kinh tế cao.

Rau trái vụ bán được giá nhất là vào thời điểm từ tháng 8 cho tới tháng 10

Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy về “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 – 2020” và sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định của Chính phủ, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi thay tích cực. Tăng về năng suất, sản lượng và giá trị thu nhập của hầu hết các loại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là hình thành khá rõ nét sản xuất hàng hoá tập trung ứng dụng công nghệ cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai đã có mặt trên bản đồ hàng nông sản chất lượng cao của cả nước.

Trong quá trình hội nhập, các chuỗi sản phẩm rau công nghệ cao của nông dân Lào Cai cần được tư vấn, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Đây được xem là khâu rất quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thu mua có “Giấy thông hành” trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ.

Cùng với ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất, tiêu thụ được xem là khâu hết sức quan trọng trong nỗ lực tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa nông sản an toàn và bền vững. Thay đổi tư duy, lối canh tác cũ, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người sản xuất đang góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các chuỗi liên kết trong bối cảnh cạnh tranh thị trường ngày một lớn hiện nay.

Ngọc Hà - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết