Lợi ích kép từ sản xuất cánh kiến trắng

08:54 31-07-2020 | :769

Laocaitv.vn - Từ khi thực hiện dự án "Sản xuất cánh kiến trắng từ nhựa bồ đề", người dân đã bắt đầu biết khai thác nhựa cây bán cho doanh nghiệp để xuất khẩu. Qua dự án, không chỉ cải thiện được kinh tế cho người dân, mà còn nâng cao vị thế của người phụ nữ, nhất là chị em người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Theo đánh giá của ngành Lâm nghiệp, cây bồ đề phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Văn Bàn. Cây sinh trưởng nhanh, có tiềm năng phát triển, đặc biệt là phục vụ sản xuất cánh kiến trắng. Đây được coi là hướng phát triển kinh tế mới cho hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn, cuộc sống phụ thuộc vào sản xuất nông - lâm nghiệp mà chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng của huyện xác định. Thực tế trong một vài năm qua, Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Đức Phú tại Thành phố Hà Nội đã làm việc với chính quyền địa phương và người dân tại 2 xã Chiềng Ken, Nậm Tha, đồng thời tổ chức thí điểm khai thác nhựa cây bồ đề đã cho hiệu quả tích cực. Công ty đã thu mua được hơn 1 tấn nhựa của 20 hộ gia đình với giá trị kinh tế hơn 350 triệu đồng, số tiền này được thanh toán cho người dân ngay tại điểm thu mua, đây là động lực to lớn để người dân yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá, khai thác nhựa cây bồ đề tại địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Đính, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Đức Phú cho biết: “Khi đến chia sẻ thì bà con vẫn còn nhiều băn khoăn lo lắng, chúng tôi mong muốn chính quyền quan tâm nhiều hơn đến dự án, tích cực tuyên truyền, vận động bà con, để bà con hiều thêm về tiềm năng của cây bồ đề”.

Mong muốn của doanh nghiệp là chính đáng, và đây cũng chính là mong mỏi của những người dân trồng cây bồ đề, để có thể phát triển loại cây này trên những cánh rừng của quê hương. Chính vì vậy, năm 2018, được dự án GREAT (của Chính phủ Úc) hỗ trợ, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn đã đề xuất thực hiện dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu và chính sách phát triển cây bồ đề sản xuất cánh kiến trắng huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai”, với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cánh kiến trắng tại huyện Văn Bàn. Thông qua dự án nhằm đề xuất áp dụng chủ trương, chính sách của chính quyền đối với hộ gia đình thực hiện chuyển trồng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa và trồng mới bồ đề lấy nhựa, hướng tới phát triển chuỗi giá trị cây bồ đề. Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cho biết: “Cần phải tạo thêm nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp, thu hút thêm các doanh nghiệp vào kinh doanh sản xuất trên địa bàn. Còn người dân sẽ hỗ trợ thêm về vốn, giống, và tạo đầu ra cho sản phẩm”.

Thu hoạch nhựa cây bồ đề (hay còn gọi là cánh kiến trắng). (Ảnh: Baotintuc.vn)

Mặc dù thời gian triển khai dự án chưa nhiều nhưng kết quả đạt được đã thấy rõ, bên cạnh việc nâng cao năng lực kinh tế gia đình thì dự án cũng đã tăng khả năng tham gia thị trường lao động của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Chị em phụ nữ nay đã biết và mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình tổ, nhóm cùng hợp tác sản xuất. Qua đó, có thêm kiến thức để phát triển kinh tế gia đình, tự tin hơn trong cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Minh Tuyển, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng Ken cho biết: “So với các cây khác thì cây bồ đề sẽ tạo thêm nhiều điều kiện phát triển kinh tế, có kinh tế thì gia đình sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn, nhất là phụ nữ làm ra tiền sẽ có tiếng nói và bình đẳng hơn trong gia đình”.

Với mục tiêu phát triển bền vững diện tích cây bồ đề trên địa bàn huyện Văn Bàn, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, cải thiện chất lượng rừng, chống xói mòn, sạt lở đất, hạn chế thiên tai, đầu năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục tham mưu cho UBND huyện Văn Bàn thực hiện dự án “Vùng nguyên liệu phát triển cây bồ đề khai thác nhựa tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai”. Theo đó, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2020 - 2025 với quy mô 1.000 ha rừng trồng cây bồ đề, trong đó, trồng mới 502,6 ha, cải tạo 431,2 ha (rừng trồng từ 2016 đến nay), duy trì và khai thác nhựa diện tích 48,2 ha (trồng từ năm 2015 về trước). Dự án sẽ góp phần hình thành được vùng nguyên liệu có quy mô lớn, đáp ứng đủ nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp thu mua hằng năm từ 15 - 20 tấn cánh kiến trắng/năm, nâng giá trị sản xuất của rừng cây bồ đề đạt 90 - 150 triệu đồng/ha/năm. Trong thời gian tới, để dự án được thành công, cần phải có các cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển để nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm cánh kiến trắng từ cây bồ đề của huyện, bao gồm vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện đất đai để đầu tư các nhà máy chế biến, giảm thuế, khoanh vùng lập nguyên liệu... Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: “Đối với ngành, trên cơ sở quản lý Nhà nước, với những kết quả đã đạt được bước đầu của các đơn vị và địa phương, đặc biệt là Văn Bàn đang triển khai thì chúng tôi sẽ tham mưu về cơ chế cho đơn vị và người dân”.

Từ thành công bước đầu của dự án "Sản xuất cánh kiến trắng từ nhựa bồ đề", không khó để có thể thấy những đổi thay tích cực đến cuộc sống của người dân. Đây cũng là tiền đề để trong thời gian tới, sẽ có sự đầu tư đúng đắn, sự quan tâm của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và cả người dân trong việc phát triển diện tích trồng bồ đề, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế lâm nghiệp và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương./.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết