Nghề làm hương truyền thống của người Mông Bắc Hà

09:46 25-01-2021 | :1652

Laocaitv.vn - Mặc dù hiện nay, mọi đồ dùng cơ bản phục vụ cuộc sống đều có thể mua sẵn nhưng người Mông ở thôn Ngài Ma - Lùng Trù, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà vẫn duy trì nghề thủ công làm hương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của dân tộc.

Đã hơn 20 năm nay, ông Chấu Seo Hòa ở thôn Ngài Ma - Lùng Trù, xã Thải Giàng Phố vẫn giữ được nghề làm hương truyền thống. Không chỉ làm để dùng trong gia đình, ông còn động viên con cháu cùng làm để đem ra chợ bán. Càng về cuối năm, công việc càng bận rộn hơn. "Tôi biết làm nghề này từ khi mới 15, 16 tuổi, nhưng ngày đó làm rất vất vả vì phải dùng tay giã nguyên liệu. Bây giờ đã có máy nghiền nên công việc dễ dàng hơn nhiều", ông Chấu Seo Hòa cho biết.

Ông Chấu Seo Hòa đã có hơn 20 năm làm hương truyền thống.

Nguyên liệu làm nên những nén hương chỉ vẻn vẹn có hai loại đó là thân gỗ mục làm bột hương và vỏ cây làm chất keo dính. Không dùng chất tạo hương nhưng những nén hương của đồng bào Mông ở Thải Giàng Phố làm ra vẫn có mùi thơm thoang thoảng của tự nhiên.

Tre bỏ phần cật và ruột, sau đó đem chẻ nhỏ, dài khoảng 40 cm, phơi nắng cho thật khô để làm cán hương. Vỏ cây phơi khô và thân cây rừng được giã hoặc nghiền thành bột. Sau đó trộn 2 loại nguyên liệu này lại với nhau thành 1 hỗn hợp kết dính.

Cây hương được lăn nhiều lần cho tới khi to gần bằng chiếc đũa mới đạt yêu cầu.

Tiếp đến là công đoạn lăn tạo cây hương. Cán hương nhúng vào xô nước, sau đó đem ra lăn qua lăn lại trên lớp bột đã được trộn sẵn nhiều lần, cứ như vậy cho đến khi được một nén hương to gần bằng chiếc đũa. Sau khi lăn hương xong, mang phơi 2 - 3 nắng cho thật khô, gói kín hong trên gác bếp để dùng dần.

Cây hương được đem phơi nắng sau đó gói kín hong trên gác bếp để dùng dần.

Cũng là người làm hương truyền thống từ lâu, ông Chấu Seo Phổng, Trưởng thôn Ngài Ma - Lùng Trì cho biết: "Nghề làm hương truyền thống tại xã Thải Giàng Phố chỉ có ở thôn Ngài Ma - Lùng Trì. Tôi muốn truyền lại cho các lớp trẻ cùng làm, vừa để có thêm thu nhập vừa không làm mất đi nghề truyền thống của dân tộc mình".

Nghề làm hương tuy không có giá trị cao về kinh tế nhưng cũng được coi là nghề phụ giữa lúc nông nhàn. Đặc biệt hơn là có ý nghĩa rất quan trọng làm phong phú ngành nghề thủ công truyền thống và phục vụ đời sống tâm linh của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

  Minh Châu – Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết