Laocaitv.vn - Hưởng ứng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” trong xây dựng nông thôn mới, thôn Sín Pao Chải, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương đang duy trì và phát triển nghề truyền thống đan lát của đồng bào Dao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con.
Tranh thủ lúc nông nhàn, người dân Sín Pao Chải đan lát kiếm thêm thu nhập.
Từ bao đời nay, người Dao ở thôn Sín Pao Chải có nghề đan lát các vật dụng từ mây tre nứa. Những người có tuổi trong thôn chỉ nhớ, từ bé đã được người lớn truyền dạy, cho theo học nghề. Ban đầu là để tự làm ra những vật dụng phục vụ sản xuất, đời sống của mỗi nhà, rồi mang bán ở các chợ phiên cũng có thêm thu nhập. Cứ thế hệ này đến thế hệ khác, nghề đan lát được người dân trong làng truyền dạy cho nhau, duy trì và phát triển. Ông Ly Chẩn Ngán năm nay 54 tuổi cho biết: "Đối với người dân địa phương ở đây thì từ 4 - 5 tuổi đã biết đan, nghề này chỉ làm tranh thủ lúc thời gian nông nhàn để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống".
Đôi bàn tay khéo léo "gửi gắm" qua từng sản phẩm.
Ở Sín Pao Chải trẻ em từ 6 - 7 tuổi đã học vót nan, những người thợ có tay nghề cao thì truyền kinh nghiệm cho người trẻ. Làng nghề Sín Pao Chải làm được nhiều thứ, nhưng chủ yếu là mẹt và nia - những vật dụng cần thiết với mỗi nhà. Tuy chỉ là nghề phụ, tranh thủ làm lúc nông nhàn, khi mưa nắng không đi làm nương, làm ruộng được… nhưng vài năm nay, thị trường tiêu thụ tốt, người dân Sín Pao Chải tích cực mở rộng nghề. Ông Ly Chẩn Ngán cho biết thêm: "Mỗi lần tôi mang ra chợ khoảng mấy chục cái mẹt cũng bán được hết, giá bán thì tầm 70.000 - 100.000 đồng/chiếc".
Thông thường, việc đan mẹt được làm theo từng công đoạn. Ví dụ như hôm nay chẻ nan, ngày mai đan phên mẹt, một ngày làm cạp mẹt rồi mới tới công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Xong xuôi, mẹt được mang phơi nắng, hong trên gác bếp cho thêm bền… Ở Sín Pao Chải, người thợ giỏi mỗi ngày có thể đan được 15 - 20 phên mẹt. Nguyên liệu được lấy ngay từ những cánh rừng vầu, rừng nứa của thôn, do vậy, khi làng nghề phát triển, bà con cũng có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng. Ông Lý Quang Vinh, Trưởng thôn Sín Pao Chải cho biết: "Hàng tuần, hàng tháng tổ bảo vệ rừng ở đây thường xuyên đi kiểm tra, nên bà con cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ và giữ rừng, không để xảy ra việc tận thu nguyên liệu".
Nguồn nguyên liệu khai thác từ khu rừng của thôn có hạn, do vậy, xã đang khuyến khích bà con dành thêm đất để trồng vầu và cây mây. Nghề đan mẹt ở Sín Pao Chải được chính quyền địa phương quan tâm, khuyến khích phát triển, đem lại thu nhập thêm khá ổn định cho các hộ dân. Hiện trong thôn Sín Pao Chải có 48 hộ dân thì có 42 hộ thường xuyên tham gia làm nghề. Chính quyền xã cũng đang triển khai các bước để trình tỉnh sớm công nhận Sín Pao Chải là làng nghề truyền thống theo mong muốn của bà con. Ông Ly Chẩn Sài, Bí thư chi bộ thôn bày tỏ: "Hiện tại huyện Mường Khương chỉ có duy nhất thôn Sín Pao Chải duy trì và phát triển nghề đan mẹt, có gia đình trong thôn đến đời thứ 3 vẫn theo nghề. Thôn cũng đề nghị Đảng và Nhà nước có giấy công nhận cho làng nghề, như vậy mới có thể mở rộng thị trường tiêu thụ và khuyến khích bà con duy trì nghề truyền thống".
Mẹt của người Dao Sín Pao Chải có giá từ 70.000 - 100.000 đồng/chiếc.
Với chất lượng sản phẩm làm ra đẹp và chắc chắn, những chiếc phên mẹt của người dân Sín Pao Chải được người sử dụng ưa chuộng. Hàng năm, tổng số lượng sản xuất của các gia đình trong thôn đạt trung bình khoảng 40.000 sản phẩm, giá bán từ 70.000 - 100.000 đồng/chiếc, vừa tạo thêm việc làm, vừa giúp cho các hộ dân trong thôn có thêm thu nhập, nâng cao đời sống. Với tiềm năng và khả năng phát triển sản xuất các sản phẩm mây tre đan của mình, nghề đan lát truyền thống ở Sín Pao Chải, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương đang khẳng định sự phát triển bền vững, trở thành sản phẩm đặc thù trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết