Laocaitv.vn - Mặc dù sản lượng không lớn bằng kỳ chính vụ (thời điểm giữa năm), tuy nhiên, dịp cuối năm và gần Tết Nguyên Đán cũng là vụ dứa thứ 2 mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân một số địa phương. Nhưng năm nay có một nghịch lý là vào điểm thu hoạch, hầu như tất cả các đồi dứa của bà con nông dân đều không có thương lái đến mua. Dứa chín tự nhiên nứt toác đến thối – người trồng dứa gần như trắng tay là những gì phóng viên vừa ghi nhận được tại xã Bản Cầm – huyện Bảo Thắng, một trong những vùng trọng điểm dứa của tỉnh.
Có đến hơn nửa hộ dân trong thôn trồng dứa, những năm qua, dứa là cây trồng mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân thôn Bản Lọt – xã Bản Cầm. Đều đặn 1 năm 2 vụ thu quả, thời điểm tháng 6, sản lượng có nhiều hơn, nhưng những năm gần đây, vụ dứa cuối năm cũng mang lại cho bà con nguồn thu không kém vụ chính là bao. Tuy nhiên, thay vì niềm vui của mùa quả ngọt thơm, vụ dứa cận Tết Nguyên Đán này lại mang đến nỗi buồn cho chủ nhân của những đồi quả đang độ chín vàng. Gia đình chị Chảo Thị Thanh – thôn Bản Lọt vụ này trồng gần 3 vạn gốc dứa. Năm nay thời tiết thuận lợi, dứa phát triển tốt, quả to đẹp. Chưa kịp cảm nhận niềm vui được mùa thì người phụ nữ trung niên này đôi mắt lại đỏ hoe. Chị Thanh kể: những năm trước, cũng thời điểm này gia đình chị bắt đầu thu dứa, giá bán trung bình từ 4 nghìn đến 5 nghìn đồng/kg, tiêu thụ rất thuận lợi. Nhưng năm nay, khi mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, giá dứa chỉ còn 2.000 đến 2.500vnđ/kg loại quả đẹp. Số tiền ký nợ mua phân lên tới cả chục triệu đồng nhưng chị Thanh không biết phải xoay xở thế nào đề trả, bởi rẻ cũng không có người mua giúp.
Người dân xã Bản Cầm (Bảo Thắng) lao đao vì dứa đến vụ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua. (Ảnh minh họa)
Cùng thôn Bản Lọt, gia đình chị Lý Thị Dương hiện cũng có trên 2 vạn gốc dứa đang vào kỳ thu hoạch. Chị Dương cho biết: những năm trước, khi dứa mới chỉ trồng được từ 1 đến 2 tháng là đã có khách vào đặt mua, thậm chí đặt cọc để mua cả đồi, năm nay đến kỳ thu hoạch, chị cũng như một số hộ dân có liên lạc đến số điện thoại các khách hàng cũ. Nhưng đáng buồn là các hộ đều nhận được câu trả lời không mua, bởi họ cũng không tìm được nơi tiêu thụ. Tiếc công, tiếc của, chị Dương cắt dứa chín mang lên Quốc lộ 70 bán gỡ gạc phần nào, những hôm may mắn thì bán được khoảng 100.000 đồng, có hôm ngồi cả ngày chỉ bán được 35.000 đồng. Giá sắn xuống thấp, gần như cả thôn Bản Lọt đã chuyển sang trồng dứa, và đến hôm nay, giá dứa lại chung cảnh ngộ với giá sắn cách đây vài năm.
Mặc dù không phải là vùng trọng điểm trồng dứa như Bản Lầu (Mường Khương), nhưng xã Bản Cầm – huyện Bảo Thắng cũng có quy mô cây dứa hiện lên đến hàng trăm ha. Thống kê sơ bộ cho thấy, vụ dứa này có từ 60 đến 70ha cho thu quả. Đáng lo lắng là thời điểm hiện tại khi đang rộ mùa thu nhưng gần như chưa hề có thương lái nào đến đặt mua; nguy cơ những đồi dứa tự chín thối rất có thể sẽ xảy ra nếu như không nhận được tín hiệu tốt từ thị trường trong những ngày tới. Bản thân cấp ủy, chính quyền địa phương cũng chưa biết làm gì lúc này để tháo gỡ cho nông dân của mình ngoài sự đồng cảm.
Nỗi buồn chẳng biết kêu ai, chị Thanh, chị Dương và hàng trăm hộ nông dân trồng loại quả ngọt thơm này lại trải qua 1 mùa thất bát bởi cung quá cầu; thất bát bởi bài toán muôn thuở mà bản thân những người nông dân chân lấm tay bùn khó có thể nào giải được, đó là đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình.
Phương Liên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết