Nông nghiệp Lào Cai biến thách thức thành thời cơ

16:47 25-02-2020 | :620

Laocaitv.vn - Trong thời gian qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19 gây ra, nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng đang trải qua giai đoạn khó khăn, trong đó có ngành Nông nghiệp, vốn dĩ đã rất dễ bị tổn thương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành Nông nghiệp của cả nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng đang xác định tập trung tái cơ cấu sản xuất, gia tăng chế biến, liên kết chặt chẽ, phát triển chuỗi giá trị và mở ra nhiều thị trường mới, để giảm thiểu những nguy cơ thiệt hại đối với ngành Nông nghiệp.

Cây dứa đang trở thành cây trồng chủ lực của người dân xã Cốc Mỳ.

Những năm gần đây, Cốc Mỳ được biết đến là xã có diện tích trồng cây dứa lớn nhất huyện Bát Xát. Với hiệu quả kinh tế cao, lại phù hợp với khí hậu của địa phương nên cây dứa đã được xác định là chủ lực thay thế cho những cây trồng kém hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, toàn xã có khoảng 40 ha dứa, trong đó có trên 25 ha đã cho thu hoạch với năng suất đạt 30 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở thôn Bản Trang. Chị Chảo Thị Chiêm, người dân trong thôn cho biết: "Những năm qua, nhờ trồng dứa mà gia đình tôi đã thoát được cảnh đói nghèo. Dù giá dứa có lên xuống bấp bênh, như năm ngoái, có thời điểm xuống dưới 1.500 đồng/kg, nhưng bà con ở Bản Trang cũng không từ bỏ. Đây là cây trồng chủ yếu của thôn, nhưng do không tìm được đầu ra nên rất khó khăn cho người dân. Mong muốn của chúng tôi là nhà nước quan tâm và tìm đầu ra cho cây dứa".

Là địa phương có quy mô sản xuất nông nghiệp lớn nhất tỉnh, huyện Bảo Thắng nhìn nhận, năm 2020 sẽ là một năm nhiều khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thế nhưng đây cũng là cơ hội để huyện biến khó khăn thành thời cơ trong phát triển nông nghiệp. Theo ông Vũ Kiều Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Hiện nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi đã từng bước được khống chế, huyện đang khẩn trương thực hiện tái đàn lợn với những cơ sở sản xuất chăn nuôi đủ điều kiện, đặc biệt là hướng đến việc sản xuất chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo chuỗi liên kết, sản xuất theo kế hoạch, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, từ đó đảm bảo an toàn dịch bệnh, giá thành giảm và đầu ra được ổn định. Cùng với đó, huyện tập trung mở rộng các vùng sản xuất như chăn nuôi gia cầm, thủy sản, trồng rau an toàn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong và ngoài tỉnh. Trong đó, chú trọng vào việc sản xuất theo quy trình VietGAP để cung ứng cho các nhà hàng, siêu thị lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân".

Cần hướng đến việc sản xuất chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Tỉnh Lào Cai có đường biên giới dài với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), với 02 cặp cửa khẩu quốc tế (đường bộ và đường sắt), 09 cặp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Trong những năm qua, mỗi năm cửa khẩu Lào Cai thực hiện thông quan hàng triệu tấn hàng hóa nông sản, trái cây của các tỉnh, thành phố trên cả nước sang thị trường nước bạn. Tuy nhiên trong số đó thì có tới trên 80% lượng hàng hóa được phía Trung Quốc thực hiện nhập khẩu theo hình thức biên mậu. Trước tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa nông sản đã có sự suy giảm. Cụ thể, trong tháng 01/2020, nông sản xuất khẩu đạt hơn 112.000 tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu gồm: Thanh long, sắn tươi, sắn lát khô, tinh bột sắn, dưa hấu, gỗ ván bóc… Nông sản nhập khẩu đạt hơn 23.200 tấn, giảm 25,6% so với cùng kỳ, chủ yếu gồm cây: Quýt, lê, rau cải thảo, táo, hồng, hạt hướng dương, bắp cải, cam.

Tại Lào Cai, các sản phẩm từ gỗ, ngoài gỗ, như cây: Thảo quả, sa nhân, quế, chuối và dứa sẽ chịu nhiều bất lợi. Trong đó, với hơn 2.000 ha chuối và gần 1.400 ha dứa sắp cho thu hoạch, đây sẽ là những mặt hàng bị ảnh hưởng sớm nhất. Ông Vương Tiến Sỹ, Giám đốc Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường thương mại tiêu thụ nội địa, tập trung vào chế biến sâu. Với các mặt hàng nông sản như chuối và dứa bị áp lực về thời vụ cũng như bảo quản, ngành sẽ tăng cường các giải pháp liên kết với các doanh nghiệp trong nước, tăng nội tiêu và tìm kiếm thêm những thị trường tiềm năng để mở rộng tiêu thụ".

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, dịch Covid-19 tại Trung Quốc có thể còn kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của hai bên. Ngành Nông nghiệp sẽ có những phương án điều chỉnh cần thiết với các vùng và diện tích sản xuất, từ đó giảm nguy cơ thiệt hại đến mức thấp nhất cho người nông dân. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận đây là dịp để ngành Nông nghiệp cũng như người dân có sự thay đổi về phương thức sản xuất và liên kết, từ đó biến những khó khăn, thách thức thành thời cơ phát triển cho chính mình./.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết