Rau an toàn chưa có hướng đi bền vững

14:38 16-04-2019 | :624

Laocaitv.vn - Nhằm nâng cao giá trị trên cùng một diện tích đất canh tác, giúp người dân cải thiện và nâng cao đời sống, thêm gắn bó với đồng đất quê hương, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm, khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó có việc chuyển những diện tích đất sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng rau an toàn. Từ đó, nhiều vùng rau an toàn đã hình thành và phát huy hiệu quả, mang tới những đổi thay đáng kể cho cuộc sống của bà con. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với những khó khăn cần được quan tâm giải quyết nếu muốn duy trì phát triển bền vững và tiếp tục mở rộng.

Mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Hà.

Tổng diện tích trồng rau trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện nay là gần 14.500 ha; trong đó có 585 ha thực hiện sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao; 275 ha sản xuất rau theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Để các vùng sản xuất rau này mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã quan tâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho người dân, hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm và kết nối tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm; bước đầu hình thành chuỗi sản xuất cung ứng rau an toàn; quy trình thực hiện sản xuất rau an toàn đã được nhiều hợp tác xã, hộ dân tham gia sản xuất thực hiện một cách nghiêm túc. 

Diện tích rau màu được trồng theo hướng sản xuất rau an toàn của gia đình anh Nguyễn Đăng Dương, thôn Giao Ngay, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng.

Với việc sản xuất rau an toàn, giá trị thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác đã tăng lên đáng kể, giúp bà con nông dân thêm gắn bó với đồng đất quê hương, tránh việc người dân phải đi làm ăn xa. Thành công của anh Nguyễn Đăng Dương, thôn Giao Ngay, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng là một trong những minh chứng khẳng định điều đó. Trước kia toàn bộ diện tích đất gần 0,3 ha ven sông của gia đình anh Dương được dùng để canh tác ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Cách đây vài năm, sau khi được tập huấn kiến thức sản xuất rau an toàn và đi tham quan các mô hình sản xuất rau an toàn thành công ở các tỉnh lân cận, anh Dương đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích ven sông sang trồng rau màu các loại như: Cà chua, cà tím, mướp theo hướng sản xuất rau an toàn… Nhờ chất lượng sản phẩm được đảm bảo, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định nên thu nhập của gia đình anh Dương đã tăng lên gấp nhiều lần.

Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh hiện cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn như: Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dù đã được hình thành nhưng chưa nhiều, dẫn đến việc bà con nông dân phải tự tìm thị trường. Thêm vào đó, sản xuất rau an toàn đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn về công sức, vốn liếng và thời gian cho thu hoạch dài hơn nhiều so với sản xuất thông thường, nên giá cả bán ra phải cao hơn. Vấn đề này không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu được điều đó. Sự “nhập nhằng” giữa rau an toàn và không an toàn còn tương đối lớn do rất ít vùng sản xuất rau an toàn đã đăng ký được thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ người sản xuất chưa chấp hành đúng các quy trình sản xuất rau an toàn, dẫn đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm làm ra. Qua kiểm tra của các cơ quan chuyên môn từ năm 2018 đến nay đã phát hiện 9 mẫu rau có tồn dư Nitrat và thuốc bảo vệ thực vật, dù mức tồn dư đều dưới ngưỡng cho phép theo quy định và chủng loại thuốc được phép sử dụng trên rau, nhưng điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng. Thêm vào đó, trong tổng số 44 doanh nghiệp, HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thì chỉ có trên 10% tham gia liên kết sản xuất rau an toàn... Những khó khăn này đã tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì và phát triển các vùng sản xuất rau an toàn. Ông Lưu Hoàng Điểu, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết: “Vùng rau an toàn của xã được quy hoạch xây dựng tại 3 thôn là Giao Ngay, Giao Tiến và Thái Bo, với diện tích trên 50 ha, thu hút gần 200 hộ dân tham gia. Ở các thôn thực hiện sản xuất rau an toàn, đời sống của người dân được nâng cao đáng kể, có những hộ thu trên 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên hiện nay việc duy trì và phát triển vùng rau an toàn tại địa phương gặp không ít khó khăn, gần như toàn bộ sản phẩm làm ra bà con phải tự đem đi tiêu thụ chứ chưa có đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm. Thêm vào đó, người dân vẫn thiếu kĩ thuật để xử lý một số bệnh mới phát sinh trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến năng suất và giá trị kinh tế”.

Hy vọng, những khó khăn, vướng mắc trong việc duy trì và phát triển vùng rau an toàn trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ sớm được chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn quan tâm giải quyết, từ đó duy trì sản xuất hiệu quả, tiếp tục mở rộng, giúp bà con cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết