Sản xuất kinh doanh gỗ: Nhiều khó khăn do tác động Covid-19

08:24 08-07-2020 | :1049

Laocaitv.vn - Dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh ngành chế biến gỗ. Đơn đặt hàng giảm sút, sản xuất cầm chừng đó là khó khăn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang phải đối mặt.

Sản phẩm thành phẩm gỗ tồn kho của Công ty TNHH Trần Sâm.

Sản phẩm thành phẩm gỗ tồn kho chất đống, chưa tiêu thụ được, sản xuất cầm chừng, nhiều giàn máy móc bỏ không, đó là những gì dễ nhận thấy ở các cơ sở chế biến lâm sản lớn, nhỏ trên địa bàn huyện Bảo Thắng thời gian này. Công ty TNHH Trần Sâm, thôn Hải Sơn 2, xã Phú Nhuận chuyên sản xuất gỗ ván ép, đồ nội thất, cốt pha, bao bì phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, công ty tiêu thụ hàng chục nghìn m3 gỗ tròn, tạo việc làm ổn định cho trên 150 đến gần 200 lao động tại địa phương. Sản xuất kinh doanh của đơn vị thời gian vừa qua cũng giảm 50% sản lượng, kéo theo nhiều khó khăn khác. Anh Trần Văn Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Trần Sâm cho biết: “Sau dịch Covid-19 tìm đầu ra cho sản phẩm là rất khó khăn. Sản lượng giảm đi một nửa. Trước thời điểm dịch tùy theo từng tháng, có những tháng tốt thì công ty bán ra được 300 - 600 m3 gỗ, nhưng giờ chỉ bán được 150 - 300 m3 gỗ thôi. Chúng tôi cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, do ngân hàng ngày càng thắt chặt hơn”.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, hiện trên địa bàn huyện Bảo Thắng có 136 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản. Hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh này đều bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, do thị trường tiêu thụ gần như đóng băng. Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm đã khiến cho hàng nghìn lao động ở Bảo Thắng mất việc làm trong lĩnh vực lâm nghiệp, chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến và trồng rừng. Trước thực tế này, các đơn vị sản xuất kinh doanh mong muốn có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước về vốn cũng như một số chủ chương, chính sách liên quan đến thủ tục hành chính. Anh Trần Văn Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Trần Sâm cho biết: “Để duy trì sản xuất chúng tôi mong muốn ngân hàng giảm lãi suất và giảm bớt các thủ tục không cần thiết cho công ty. Chúng tôi sản xuất cũng là tạo việc làm cho bà con và tiêu thụ sản phẩm cho địa phương. Vì vậy, rất mong các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện để chúng tôi vượt qua khó khăn này”.

Giàn máy móc bỏ không vì sản phẩm làm ra không bán được.

Ông Phạm Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện để hỗ trợ, giảm lãi suất, tạo điều kiện cho các cơ sở tiếp tục kinh doanh”.

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành thì trước hết các doanh nghiệp cũng cần phát huy sự chủ động của đơn vị mình; tích cực đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường; áp dụng các sáng kiến khoa học, từng bước đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Thế Văn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết