Thận trọng tái đàn lợn thịt trong bão dịch tả lợn Châu Phi

19:17 23-05-2019 | :533

Laocaitv.vn - Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, bên cạnh việc triển khai hàng loại các giải pháp ngăn chặn, khống chế không để dịch tiếp tục lan rộng, một trong nội dung quan trọng được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai khuyến cáo tới các hộ chăn nuôi toàn tỉnh là bà con cần thận trọng trong việc tái đàn gia súc vào thời điểm hiện nay.

Đối với những vùng có dịch phải thực hiện nghiêm ngặt việc không tái đàn

Theo kinh nghiệm sản xuất của nhiều hộ chăn nuôi, tháng 4, tháng 5 hàng năm là thời điểm người dân chuẩn bị nhập lợn bột và lợn giống, tái đàn lợn thương phẩm, kịp xuất bán ra thị trường phục vụ người tiêu dùng cuối năm. Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, đe dọa tới đàn lợn của địa phương, bên cạnh việc triển khai đồng loại các biện pháp để khống chế, ngăn chặn, hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh, 1 trong những thông điệp được ngành nông nghiệp đặc biệt  khuyến cáo là các địa phương, các hộ chăn nuôi cần hết sức thận trọng trong việc tái đàn lợn thương phẩm vào thời điểm hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Nhẫn, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Đối với những vùng có dịch thì phải thực hiện nghiêm ngặt việc không tái đàn, còn với các vùng chưa có dịch thì thực hiện việc chăn nuôi an toàn sinh học, đó là chăn nuôi có kiểm soát, 5 không - 10 cấm đối với dịch tả lợn Châu Phi này. Các hộ cần thực hiện tốt việc khử trùng theo hướng dẫn của thú y, không bán tháo, bán chạy đối với đàn lợn, nếu muốn bán thì phải báo cho cơ quan thú y của địa phương kiểm tra đủ điều kiện mới được bán".    

Trước khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và nguy cơ đe dọa của dịch tả lợn Châu Phi, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản qui mô lớn, tập trung trên địa bàn tỉnh đã áp dụng rất nghiêm túc cách làm này để bảo vệ đàn lợn, tránh tổn thất nặng nề khi dịch bệnh có chiều hướng lây lan. Tại huyện Bảo Thắng, địa phương có phong trào chăn nuôi đặc biệt phát triển với đàn lợn chiếm tới gần 1/2 tổng đàn của toàn tỉnh, việc thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thận trọng tái đàn đã được các chủ trang trại, gia trại thực hiện rất nghiêm ngặt. Là 1 hộ dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, ông Bùi Văn Hà, ở thôn Tả Hà 1, xã Sơn Hà cho biết: "Cùng thời điểm này năm ngoái, mỗi lứa lợn gia đình tôi có khoảng 500 đầu lợn thịt, nhưng năm nay, đàn lợn thịt của nhà tôi chỉ duy trì ổn định mỗi lứa với số lượng 250 con. Vì đây là thời điểm nhạy cảm nên khi tái đàn có thể chịu rủi ro cao. Để bảo vệ đàn lợn của gia đình, những ngày qua, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học được gia đình tôi thực hiện hết sức nghiêm ngặt".

Việc chăn nuôi theo kiểu "Bỏ trứng vào nhiều giỏ" sẽ giúp tránh được những thiệt hại kinh tế khi dịch bệnh xảy ra

Ngoài ra, có nhiều hộ chăn nuôi đã tính toán đến những biện pháp chăn nuôi an toàn khác, như gia đình anh Đinh Quốc Đạt, thôn An Hồng, xã Sơn Hà là 1 ví dụ. Trước đây, anh Đạt tập trung chăn nuôi lợn và gà với qui mô tương đối lớn, nhưng từ đầu năm nay, anh Đạt đã cơ cấu lại chăn nuôi. Theo đó, đàn lợn, đàn gà được tính toán giảm bớt, thay vào đó, anh đầu tư mua thêm 5 con trâu để gây thêm đàn đại gia súc, xây dựng chuồng trại nuôi thỏ để cung cấp ra thị trường. Theo anh Đinh Quốc Đạt, việc tính toán chăn nuôi theo kiểu "Bỏ trứng vào nhiều giỏ" sẽ giúp những hộ chăn nuôi không nhiều vốn như gia đình anh tránh được những thiệt hại kinh tế khi dịch bệnh xảy ra, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu nhập từ sản xuất chăn nuôi, ngành nghề chính của gia đình.

Trước khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, ngành sản xuất chăn nuôi của Lào cai trong những năm gần đây có mức tăng trưởng khá cao. Toàn tỉnh có tổng đàn lợn thương phẩm trên 500 nghìn con, năm 2018, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 50.000 tấn, đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu tiêu thụ của người dân trong tỉnh. Những năm qua, việc sản xuất cung ứng đàn lợn giống cũng được ngành nông nghiệp và các địa phương đặc biệt quan tâm, khuyến khích các địa phương phát triển và thực tế, nguồn thu nhập từ chăn nuôi lợn đã giúp hàng nghìn hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai thoát nghèo và từng bước làm giàu. Việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học, hay chuyển đổi lại cơ cấu đàn vật nuôi của nhiều chủ hộ, chủ trang trại chăn nuôi trong thời điểm này chính là những giải pháp phòng vệ hợp lý, để vẫn có thể duy trì sản xuất, đồng thời giảm bớt phần nào thiệt hại kinh tế trong tình hình dịch tả lợn Châu Phi bùng phát hiện nay.

Để tránh rủi ro cao, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, người chăn nuôi, nhất là những hộ chăn nuôi qui mô nhỏ lẻ cần hết sức thận trọng khi tái đàn lợn thương phẩm. Khi tái đàn thì phải bảo đảm nguồn lợn giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đã được kiểm tra an toàn dịch bệnh. Lợn con giống mua về nuôi phải nhốt ra khu vực riêng, khử trùng, tiêm vắc xin và theo dõi trong vòng 2 - 3 tuần, lợn thật sự khỏe mạnh mới cho nhập đàn. Cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo: Do vi rút dịch tả lợn Châu Phi không lay sang người, nên người tiêu dùng cần bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin, không quay lưng với thịt lợn thương phẩm và các sản phẩm chế biến tư thịt lợn để góp phần bảo vệ sản xuất, chung tay cùng người chăn nuôi tháo gỡ khó khăn.

An Hồng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết