Thành công từ dự án "Phát triển vùng cây ăn quả huyện Bảo Thắng giai đoạn 2015 – 2018"

13:33 22-05-2019 | :847

Laocaitv.vn - Sau 3 năm triển khai thực hiện, dự án “Phát triển vùng cây ăn quả huyện Bảo Thắng giai đoạn 2015 – 2018” đã đạt được nhiều kết quả khả quan, mở ra triển vọng mới cho việc khai thác, phát huy thế mạnh về cây ăn quả của địa phương. Đồng thời nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Mô hình trồng cây chanh leo xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng

Thành công lớn nhất sau 3 năm triển khai thực hiện dự án là những hộ dân đã tham gia vào dự án và vùng xung quanh dự án đã quan tâm, chủ động học hỏi và biết ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả ở địa phương. Những đổi thay trong cách nghĩ, cách làm của người nông dân đã mang lại những kết quả đáng mừng, nhiều mô hình mới được triển khai mang lại hiệu quả kinh tế nổi bật, cùng với đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đưa một số giống cây ăn quả mới vào trồng trên đồng đất quê hương. Cùng với việc đổi mới quy trình trồng, chăm sóc để cây vừa sai quả, vừa có chất lượng tốt hơn, nhiều hộ nông dân đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm với phương châm “Thu tại gốc, bán tận ngọn”. Điều này đã giúp người dân hạn chế được tình trạng được mùa mất giá và nâng cao hiệu quả kinh tế. Ông Trần Như Tôn, thôn Cốc Sâm 5, xã Phong Niên chia sẻ: "Hiện gia đình tôi đang có 1.000 gốc bưởi da xanh, trong đó có 800 gốc sẽ cho thu hoạch vụ thứ 2 trong năm nay, năm vừa qua gia đình tôi thu nhập cũng được 70 triệu, năm nay chắc chắn phải được gấp đôi".

Đặc biệt, cùng với các loại cây ăn quả nằm trong dự án, nhiều hộ dân đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc để tạo ra các loại quả trái mùa. Ông Trần Ngọc Trường ở thôn Cốc Sâm 4, xã Phong Niên đã thành công trong việc thử nghiệm trồng 24 gốc roi trái vụ cho biết: "Nếu như là chính vụ thì 24 gốc roi này chỉ thu được khoảng 30 triệu, nhưng thu hoạch trái vụ giá cao gấp 3 lần chính vụ, để cho được hoa ra trái vụ mất rất nhiều công".

Xã Phong Niên đã thành công trong việc thử nghiệm trồng 24 gốc roi trái vụ

Kết thúc dự án, năm 2018 đã có 160 hộ dân được tập huấn kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc theo chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây ăn quả. Trên 284 ha cây ăn quả được trồng mới và ghép cải tạo thành công, nâng tổng diện tích cây ăn quả của huyện lên trên 2.600 ha, cùng với đó dự án đã tuyển chọn, đề nghị và được công nhận 10 cây bưởi Múc Bảo Thắng, 30 cây na dai Xuân Quang là cây đầu dòng. Xây dựng thành công 02 nhãn hiệu tập thể như: Bưởi Múc Bảo Thắng, quả Bảo Thắng (dùng cho sản phẩm nhãn, na, chanh) Hội nông dân huyện quản lý, khai thác và sử dụng. Xây dựng được 01 vườn ươm giống bưởi Múc tại thôn Múc, xã Thái Niên, với quy mô 2.520 m2, năng lực sản xuất 35.000 cây giống mỗi đợt. Đã hình thành một số mô hình điểm để bà con nhân dân đến thăm quan học hỏi, từ đó, các vùng chuyên canh cây ăn quả đã hình thành một cách rõ nét như: Bưởi Múc tại xã Thái Niên, thị trấn Phố Lu; cây nhãn, na tại Bản Cầm, Phong Niên, Xuân Quang; chanh tại Xuân Quang... Năng suất cây ăn quả trung bình ước đạt trên 11,5 tấn/ha, giá trị thu nhập của một số cây ăn quả chủ lực ước đạt từ 300 đến trên 500 triệu đồng/ha. Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng khẳng định: "Các hộ tham gia dự án và các hộ liên kề cũng đã được hưởng lợi từ dự án và đã góp phần tích cực để dự án phát triển thành công. Ngoài việc hỗ trợ của Nhà nước, đến nay chúng tôi cũng đã có diện tích cây ăn quả với diện tích 2.600 ha, phấn đấu đến hết năm 2020 chúng tôi sẽ có khoảng 2.900 ha cây ăn quả các loại".

Từ những kết quả thu được, huyện Bảo Thắng đã kiến nghị và được UBND tỉnh cho phép kéo dài dự án đến hết năm nay. Huyện Bảo Thắng đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thực hiện trồng mới và ghép cải tạo trên 17.200 cây nhãn chín muộn, trồng mới trên 14.000 cây chanh đào, chanh tứ thời và 22.000 cây na dai.. để hoàn thành mục tiêu có 525 ha cây ăn quả được trồng mới và ghép cải tạo. Qua đó giúp người dân cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở khai thác và phát triển tốt các lợi thế sẵn có của địa phương.  

                    Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết