Thay đổi tư duy cho nông dân về nông nghiệp tuần hoàn

10:29 23-10-2024 | :130

Laocaitv.vn - Nằm trong khuôn khổ dự Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế, giai đoạn 2022 – 2024 do Tổ chức Quốc tế EarthCare Foundation tài trợ, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức cho 100 hội viên, nông dân huyện Bảo Thắng đi tham quan, học hỏi mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp hội viên thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi theo hướng thân thiện với môi trường.

 

Ông Yên (thứ 3 phải ảnh) giới thiệu về mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi giun trùn quế của hợp tác xã mình.

Xây dựng trang trại tổng hợp, trồng chuối tiêu hồng, quế, chăn nuôi thủy sản kết hợp nuôi giun trùn quế với diện tích lên tới 1.000 m2 – mô hình kinh tế tuần hoàn của Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp Tây Bắc Phúc Yên đã cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng đó là: xử lý rác thải từ thực phẩm thừa và phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng và thức ăn cho vật nuôi, giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất. Chỉ tính riêng tiền con giống và phân trùn quế, mỗi năm hợp tác xã đã thu về 1,5 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thế Yên, Giám đốc Hợp tác xã Nông Lâm nghiệp Tây Bắc Phúc Yên, xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Không có gì hơn được mô hình kinh tế tuần hoàn. Phụ phẩm của nông, lâm nghiệp giờ bà con đang vứt đi, đốt đi, làm ô nhiễm môi trường, không tái tạo được nhưng nếu mình nuôi con trùn quế thì mang lại hiệu quả cho bà con nông dân và gia đình”.

Tham quan mô hình, các hội viên, nông dân đã được trao đổi một số kinh nghiệm, kiến thức trong nuôi giun trùn quế; khái toán sơ bộ hiệu quả kinh tế mà mô hình này mang lại. Chị Trần Thị Hà, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng chia sẻ: “Nhà tôi có gà, cá, nên rất mong là sẽ nuôi được vài gian như vậy để nuôi cá, nuôi gà cho đỡ tốn thức ăn”.

Nông dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ, chuyển sang phương pháp trồng trọt và chăn nuôi mới thân thiện với môi trường.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Từ việc tham quan mô hình này, chúng tôi mong muốn mỗi hộ nông dân sẽ xây dựng mô hình với quy mô khoảng 30 – 50 m2 để nuôi giun trùn quế. Từ đó có đủ thức ăn cho chăn nuôi, đồng thời có đủ phân bón cho sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới”.

Khởi động từ tháng 8/2022, Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế, giai đoạn 2022 – 2024 được thực hiện tại 9 xã của 3 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và Bát Xát. Hơn 2 năm qua, dự án đã thực hiện 32 hội nghị tập huấn tổng quan và hướng dẫn kỹ thuật cho hàng nghìn hội viên, nông dân; hỗ trợ bà con thực hiện 450 mô hình xử lý chất thải chăn nuôi như: ủ phân hữu cơ từ phế phẩm cây trồng; nuôi gà trên đệm lót sinh học dày; nuôi sâu canxi, giun trùn quế và cùng nhiều lượt tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Qua đó, giúp nông dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ, chuyển sang phương pháp trồng trọt và chăn nuôi mới thân thiện với môi trường, hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững./.

An Hồng – Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết