Thêm nguồn vốn cho thanh niên khởi nghiệp

10:55 17-03-2020 | :616

Laocaitv.vn - Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng và với thanh niên nông thôn vùng cao, hành trình khởi nghiệp luôn đặt ra cho mỗi bạn trẻ không ít thử thách, trắc trở. Có thể khởi nghiệp từ con số 0 hoặc từ nguồn vốn vay ít ỏi? Đây là câu hỏi đặt ra cho rất nhiều thanh niên vùng cao đang tìm kiếm cơ hội lập thân, lập nghiệp. 

Mới lập gia đình được 03 năm nay, anh Chảo Láo Tả, thôn Linh Giang, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát như bao thanh niên khác trong xã được bố mẹ cắt đất cho ra ở riêng, dựng tạm căn nhà bằng những tấm ván ghép hờ. Ngoài thu nhập chính từ trồng lúa, ngô, thì đàn lợn đen bản địa 07 con được anh Tả nuôi từ đầu năm đang hứa hẹn là nguồn thu mới của cả gia đình. Tuy vậy, anh Tả cũng lo lắng bởi chưa hề được học qua bất kỳ một lớp kỹ thuật nào, kinh nghiệm chăn nuôi hoàn toàn là vốn tự học, hoặc nghe bà con trong thôn mách, nên đàn lợn của gia đình anh phát triển không mấy ưng ý. Cùng với đó, là niềm trăn trở khi đàn lợn đến kỳ xuất bán mà không biết đầu ra ở đâu.

Ở những thôn vùng cao, trường hợp như anh Chảo Láo Tả không phải là hiếm. Ở nơi đây, để khởi nghiệp, hầu hết gia đình thanh niên đều dựa vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nhưng là làm chung với bố mẹ, hoặc được gia đình hỗ trợ, tuy nhiên, số đó không nhiều. Riêng với các bạn thanh niên điều kiện khó khăn, không có tư liệu sản xuất thì cái khó nhất là tiếp cận nguồn vốn, nếu có thì chỉ từ 5 - 10 triệu đồng do tổ chức đoàn hỗ trợ. Anh Lý A Hùng, thôn San Bang, xã Bản Vược, huyện Bát Xát là một trường hợp như thế. Không như các bạn đồng trang lứa, học hết cấp 3, anh Hùng xác định ở nhà để phụ giúp bố mẹ và tính chuyện làm ăn. Thế nhưng sau hơn 02 năm, hiện anh chỉ mới làm những công việc lặt vặt, chuyện khởi nghiệp thì vẫn nằm ở trong những tính toán, bởi muốn thực hiện trước hết cần nguồn vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, các sản phẩm nông nghiệp thường có giá cả bấp bênh, điều này khiến nhiều thanh niên như anh Hùng gặp khó khăn với các kế hoạch khởi nghiệp. Anh Hùng chia sẻ: "Hầu hết tôi ở nhà làm công việc gia đình như cho lợn, cho gà, cho cá ăn, rồi đi làm việc đồng áng. Tôi thiếu vốn, nhất là không có kinh nghiệm nên sợ rằng làm sẽ thất bại".

Khó khăn nhất của thanh niên khi khởi nghiệp là vốn đầu tư.

Theo thống kê, hết năm 2019, tổng dư nợ nguồn vốn do Đoàn thanh niên huyện Bát Xát nhận ủy thác là trên 72 tỷ đồng với trên 2.000 hộ vay và 68 tổ tiết kiệm vay vốn. Qua khảo sát thực tế cho thấy, trong quá trình khởi nghiệp, thanh niên nông thôn còn gặp nhiều vấn đề khó khăn, trong đó, vướng mắc thường thấy nhất là ở khâu vốn đầu tư. Phần lớn thanh niên nông thôn thường không sở hữu hoặc thiếu hụt nguồn vốn để hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Nhưng muốn vay vốn ngân hàng thì lại phải có tài sản thế chấp, bảo đảm, đây chính là “bài toán khó” đối với lực lượng thanh niên nông thôn, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, Ngân hàng Chính sách xã hội lại chỉ hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên và một số đối tượng chính sách..., cho nên lượng hồ sơ xin vay vốn của thanh niên nông thôn tại đây được giải quyết thường rất ít. Trên thực tế, nhiều thanh niên nông thôn đã và đang khởi nghiệp tại quê hương cho biết, nguồn vốn từ các loại hình này hầu như chỉ mang tính động viên và tượng trưng, chưa đủ mạnh để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp. Anh Nguyễn Văn Ba, Phó Bí thư Huyện Đoàn Bát Xát đề xuất: "Cần tạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh để thu hút lực lượng thanh niên đã được đào tạo nghề vào làm; mở lớp dạy nghề nâng cao dành cho thanh niên nông thôn đã được đào tạo cơ bản để các bạn có được việc làm ổn định với thu nhập khá. Đặc biệt, hỗ trợ thanh niên xây dựng mô hình khởi nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, gắn với dự báo thị trường đầu ra sản phẩm. Thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, những buổi gặp gỡ tiếp xúc thì cũng tuyên truyền đến cho đoàn viên thanh niên nhận thức đúng đắn xem là ở địa phương mình phát triển cây, con giống nào là hợp lý, để từ đó có hướng đi giúp đoàn viên thanh niên khởi nghiệp thành công”.

Trăn trở của không ít thanh niên hiện nay là họ muốn làm giàu, muốn khởi nghiệp, nhưng gần như chẳng có gì trong tay ngoài ý tưởng sáng tạo. Mặc dù kế hoạch kinh doanh của họ có sức thuyết phục nhưng nếu ra ngân hàng, chắc chắn sẽ khó được vay vốn vì không có gì để thế chấp. Bởi thế, họ cần có môi trường khởi nghiệp với hệ thống chính sách thông thoáng, nhiều hơn nữa các nguồn quỹ khởi nghiệp, các văn phòng tư vấn và dịch vụ hỗ trợ ./.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết