Chính sách “gây áp lực tối đa” của Mỹ với Iran, Triều Tiên sẽ đi đâu?

14:30 22-01-2020 | :317

Laocaitv.vn - Để buộc Iran, Triều Tiên từ bỏ hạt nhân, Mỹ đã sử dụng chính sách gây sức ép tối đa lên các bên thông qua các biện pháp trừng phạt cứng rắn.

Tuy nhiên, đến nay, chính sách này của Mỹ chỉ khiến Iran mất đi hoàn toàn niềm tin còn Triều Tiên tỏ rõ sự thất vọng. Với tuyên bố mới nhất ngày hôm qua của Triều Tiên, rằng sẽ ngừng tuân thủ các cam kết với Mỹ về việc không thử tên lửa và hạt nhân là một minh chứng cho sự thất vọng này.

Nhà lãnh đạo Iran, Mỹ, Triều Tiên. Ảnh: Insider.

Phát biểu tại Hội nghị về giải trừ vũ khí do Liên Hợp Quốc bảo trợ, Cố vấn của phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Chu Ju Yong-chol tuyên bố, Bình Nhưỡng không có bất kỳ lý do nào để phải đơn phương tuân thủ cam kết với Mỹ về không thử hạt nhân và tên lửa, khi mà Washington không tôn trọng cam kết đó: “Chúng tôi đã cảnh báo rằng nếu Mỹ hiểu lầm sự kiên nhẫn cuả chúng tôi, tìm cách ép chúng tôi thực hiện các yêu sách đơn phương, duy trì áp đặt các lệnh trừng phạt và gây sức ép đối với đất nước chúng tôi thì Triều Tiên sẽ buộc phải tìm kiếm con đường mới để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích quốc gia”.

Vị quan chức Triều Tiên cáo buộc Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt “tàn bạo”, khắc nghiệt nhất đối với Bình Nhưỡng. Theo ông, nếu Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt, thì sẽ không bao giờ phi hạt nhân hóa được bán đảo Triều Tiên.

Ngay lập tức, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc về vấn đề giải trừ quân bị Robert Wood đã có phản ứng quan ngại trước tuyên bố của phía Triều Tiên, khẳng định những gì Mỹ đang làm là “tốt nhất, tuyệt vời nhất” cho Triều Tiên, cho khu vực và toàn cầu: “Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, đó là lợi ích tốt nhất của Triều Tiên, là lợi ích tốt nhất của khu vực và thế giới. Chúng tôi hi vọng, Triều Tiên sẽ hành động đúng đắn, quay trở lại đàm phán và thực hiện thỏa thuận đã đạt được Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un”.

Gần 1 năm trôi qua, kể từ tháng 2 năm ngoái, tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều vẫn đang ở thế bế tắc khi các bên vẫn giữ vững lập trường đàm phán “cứng rắn”. Hai bên đã đưa ra nhiều cảnh báo lẫn nhau, về 1 hậu quả “xấu nhất” có thể xảy ra, tuy nhiên, đến nay vẫn có 1 kênh liên lạc mở giữa 2 quốc gia này.

Có hoàn cảnh tương tự với Triều Tiên, Iran cũng đang phải chịu 1 sức ép trừng phạt tối đa từ Mỹ, song có vẻ còn căng thẳng hơn nhiều. Hiện quốc gia này đã mất hoàn toàn “niềm tin” ở Mỹ khi họ đã bị Mỹ “bội ước” về thỏa thuận hạt nhân 2015, bị Mỹ tái áp đặt trừng phạt kinh tế. Mỹ đang muốn Iran phải “thay đổi” nhiều hơn, không chỉ trong vấn đề hạt nhân mà còn về chương trình tên lửa đạn đạo cũng như hạn chế sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Tuy nhiên, Iran tuyên bố, chương trình tên lửa của nước này không phải là vấn đề để lôi ra đàm phán, đó là sức mạnh phòng thủ quốc gia. Tuần này, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng khẳng định, Tehran sẽ không tham gia đàm phán về 1 thỏa thuận mới, thay cho thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Trong khi Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cho biết, nước này sẵn sàng đối thoại với cả thế giới, nhưng không phải là với Mỹ.

Tính đến thời điểm hiện tại, dường như Mỹ vẫn chưa “thành công” lắm với chính sách gây áp lực tối đa của mình lên Iran và Triều Tiên và viễn cảnh về sự thất bại của chính sách này là hoàn toàn có thể xảy ra, với những diễn biến đang hết sức căng thẳng hiện tại./. 

Đình Nam/VOV1

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết