Laocaitv.vn - Theo một số chuyên gia, ít có khả năng Trung Quốc sẽ nhượng bộ thêm trong cuộc đàm phán sắp tới, bất chấp đe dọa áp thuế bổ sung của Tổng thống Mỹ.
Laocaitv.vn - Theo một số chuyên gia, ít có khả năng Trung Quốc sẽ nhượng bộ thêm trong cuộc đàm phán sắp tới, bất chấp đe dọa áp thuế bổ sung của Tổng thống Mỹ.
“Sức nóng” của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang được cả thế giới quan tâm, khi Tổng thống Mỹ mới đây cảnh báo có thể sẽ áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD ở mức 25%, thay vì mức 10% như thời điểm hiện tại, vào ngày 10/5 tới. Lời cảnh báo là 1 áp lực “lớn” mà Mỹ tạo ra khi các cuộc đàm phán giữa 2 bên đang bước vào giai đoạn “nước rút”, cụ thể là vòng đàm phán tới đây, tại Washington vào ngày 9-10/5 tới.
Hiện Trung Quốc tỏ ra sẽ “giữ vững lập trường” đàm phán, trong khi quốc tế kêu gọi 2 bên nắm bắt cơ hội để giải quyết cuộc chiến thương mại xảy ra trong nhiều tháng qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phái đoàn đàm phán 2 bên trong cuộc họp cuối tháng 11/2018 tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: The Hill
Cảnh báo tăng thuế được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trên trang Twitter cá nhân vào ngày 5/5 vừa qua, được đánh giá là khá bất ngờ, bởi trước đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn tỏ ra lạc quan khi cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đi tới 1 “thỏa thuận” trong 2 vòng đàm phán “quyết định” tại Bắc Kinh tuần trước và tại Washington sắp tới. Dòng tuýt của Tổng thống Mỹ đã lập tức khiến thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm và lao dốc, bao gồm cả ở Mỹ và Trung Quốc.
Để lý giải cho cảnh báo của Tổng thống Mỹ, ngày 6/5, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, trong tuần vừa qua, Mỹ nhận thấy Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết trong đàm phán trước đó và điều này sẽ làm thay đổi một cách căn bản thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất được 90% các điều khoản. Ông Lighthizer khẳng định, đây là điều mà Mỹ không thể chấp nhận. Theo các đại diện đàm phán của Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thực hiện cảnh báo của mình, nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận tại vòng đàm phán ở Washington sắp tới.
Rõ ràng, đây là áp lực vô cùng lớn đối với phía Trung Quốc trước khi hai bên bước vào vòng đàm phán tại Mỹ. Thậm chí truyền thông quốc tế ngày 6/5 còn dự đoán, phái đoàn Trung Quốc có thể sẽ không tới Washington theo như kế hoạch.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng ngày 6/5 khẳng định: “Vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung lần thứ 11 tới đây đang được dư luận trong và ngoài Trung Quốc quan tâm. Đã có rất nhiều phản ứng từ phía cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, tôi chỉ có thể nói với bạn rằng, phái đoàn Trung Quốc đang chuẩn bị tới Mỹ để đàm phán”.
Ngày 7/5, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ vẫn dẫn đầu đoàn đàm phán tới Mỹ vào ngày 9-10/ 5 tới. Đây được xem là 1 nỗ lực của phía Bắc Kinh, nhằm tránh 1 kết quả “không mong muốn” mà nước này nhiều lần cảnh báo là sẽ gây ra “bất lợi cho cả hai bên”.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc, ít có khả năng Trung Quốc sẽ nhượng bộ thêm trong các cuộc đàm phán tới, bất chấp đe dọa áp thuế bổ sung của Tổng thống Mỹ. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Đại học Phúc Đán Thượng Hải, ông Trương Quân (Zhang Jun) nhận định, Trung Quốc đang gần đến giới hạn cuối cùng của mình và nếu Tổng thống Mỹ đưa ra thêm nhiều yêu sách, Trung Quốc khó có thể chấp nhận.
Trước hồi kết căng thẳng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 7/5 kêu gọi hai nước tránh leo thang căng thẳng thương mại, để giữ nguyên đà tăng trưởng toàn cầu. Pháp hi vọng các cuộc đàm phán bám sát nguyên tắc minh bạch và đa phương, hướng tới 1 thỏa thuận không tác động tiêu cực đến sự phát triển của thế giới trong những tháng tới.
Trước đó 1 ngày, Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier cũng bày tỏ hi vọng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ được giải quyết, và hối thúc các bên nên cẩn trọng trước khi đưa ra các quyết định đơn phương: “Tất cả chúng ta đều hi vọng cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể được giải quyết, bởi nó không hề đem lại kết quả tích cực cho bất kỳ quốc gia nào trong nền kinh tế toàn cầu này”./.
Đình Nam/VOV1
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết