Động lực nào khiến Mỹ tuyên bố áp thuế hàng hóa Liên minh châu Âu?

10:55 12-04-2019 | :591

Laocaitv.vn - Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu lên 11 tỷ USD hàng hóa EU sau khi WTO kết luận các khoản trợ cấp của EU dành cho Airbus gây “tác động bất lợi” cho Mỹ.

Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu lên 11 tỷ USD hàng hóa Liên minh châu Âu (EU) sau khi tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kết luận các khoản trợ cấp của EU dành cho hãng chế tạo máy bay Airbus gây ra “tác động bất lợi” cho Mỹ. Động thái này diễn ra khi EU và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận Tại cuộc họp thường niên lần thứ 21, khiến giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.

Động thái áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa EU có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại lớn hơn. (Ảnh minh họa: KT)

Từ động thái áp thuế của Mỹ...

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 cho biết Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu lên 11 tỷ  USD hàng hóa EU sau khi WTO kết luận các khoản trợ cấp của EU dành cho hãng chế tạo máy bay Airbus gây ra “tác động bất lợi” cho Mỹ. Ông Donald Trump viết: “WTO cho biết việc EU trợ cấp cho Airbus đã gây tác động bất lợi cho Mỹ. Washington sẽ áp thuế lên 11 tỷ USD hàng hóa EU. EU đã lợi dụng Mỹ trong vấn đề thương mại nhiều năm qua. Điều đó sẽ phải dừng lại”.

Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, các khoản trợ cấp của EU cho máy bay dân dụng cỡ lớn đã gây ra thiệt hại ước tính khoảng 11 tỷ đô la Mỹ trong hoạt động thương mại mỗi năm. Đây là hành động đáp trả lại việc EU trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Airbus, đã gây thiệt hại cho Mỹ và có hoạt động không phù hợp với các luật lệ của WTO. Khi EU chấm dứt các khoản trợ cấp có tác động có hại này, các thuế quan bổ sung của Mỹ áp dụng để đáp trả có thể được dỡ bỏ.

Washington đang cân nhắc thuế quan đối với một loạt các mặt hàng xuất khẩu của châu Âu sang Mỹ, bao gồm cả máy bay thương mại lớn và các bộ phận, cũng như rượu vang, phô mai và các sản phẩm từ sữa. Danh sách sơ bộ các mặt hàng EU dự kiến sẽ chịu thuế bổ sung gồm thuế đối với máy bay phi quân sự và các bộ phận được sản xuất tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha hoặc Vương quốc Anh - các quốc gia sản xuất các bộ phận khác nhau của máy bay Airbus.

EU lập tức phản ứng trước hành động này của Washington. EU cho rằng tổng giá trị các biện pháp thuế đáp trả lên tới 11,2 tỷ USD - cũng chính là giá trị các khoản trợ cấp EU dành cho Airbus (theo ước tính của Mỹ) - mà Washington đòi áp đặt đối với một loạt hàng hóa của EU là quá cao.

Một nguồn tin Ủy ban châu Âu cho rằng con số trên chỉ là tính toán của riêng Mỹ và không được WTO xác nhận. Nguồn tin cho biết EU đang chuẩn bị cho các biện pháp đáp trả. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng Mỹ và EU “không được phép” để xảy ra một cuộc tranh cãi mới liên quan tới Airbus. Tổng thống D. Trump đã từng tuyên bố điều tương tự với mặt hàng ô tô của Đức và cũng nhận lời cảnh báo đáp trả của Berlin.

Đến động lực thúc đẩy...

Một là, Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump

Là người theo chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ, ngay từ khi mới nhậm chức, Tổng thống Mỹ D. Trump đã đưa Mỹ rút khỏi TPP; đàm phán lại NAFTA; áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước và tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tổng thống Trump muốn thông qua chiến tranh thương mại để viết lại “luật chơi” của kinh tế thế giới có lợi hơn cho Mỹ.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ D. Trump đã “khơi mào” một cuộc chiến thương mại bằng việc đánh thuế nhập khẩu đối với nhôm và thép từ EU, Canada và Mexico. Mỹ đã đề nghị lên WTO về áp lệnh trừng phạt trị giá hàng tỷ USD lên hàng hóa châu Âu nhằm trả đũa sau phán quyết EU trợ giá trái phép cho Airbus. Ước tính giá trị các khoản trợ giá này lên tới 11,2 tỷ USD.

Tổng thống Trump cũng đe dọa trả đũa lên các sản phẩm ô tô nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ. EU đã đáp trả bằng hành động kiện vụ việc lên WTO và áp dụng các biện pháp trả đũa thông qua quyết định áp thuế đối với hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào EU với giá trị lên tới 2,8 tỷ Euro.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đến Washington và đã đạt được một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ D .Trump liên quan đến việc giảm bớt căng thẳng thương mại, song vẫn không chấm dứt được các sắc thuế đánh vào mặt hàng thép và nhôm cũng như các mối đe dọa đối với sản phẩm của nền công nghiệp ô tô châu Âu.

Hai là, Sự thành công của Mỹ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung có thể khép lại trong thời gian tới sau khi đạt được những tiến triển nhanh chóng về hiệp định tiềm năng. Tổng thống Mỹ D. Trump khẳng định hai bên đang tiến “rất gần đến một thỏa thuận” và “tiến bộ đang đạt được với tốc độ rất nhanh chóng”, đồng thời cho rằng việc đạt được một thỏa thuận sẽ tạo tiền đề cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc đã đưa ra nhiều nhượng bộ với Washington, như cam kết tăng mua hàng hóa của Mỹ như đậu nành để giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc... Thành công nhất là Washington đã gần tiến tới việc có được một thỏa thuận thương mại mới với Bắc Kinh mà ở đó, lợi ích Mỹ được đẩy lên rất nhiều trong khi giảm đà phát triển của khoa học công nghệ của Trung Quốc. Chính thành công này đang thúc đẩy Mỹ dùng chiêu thức áp đặt thuế quan hàng hóa đối với EU.

Ba là, EU và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận gây bất lợi cho Mỹ.

Tại cuộc họp thường niên tại Brussels (Bỉ) lần thứ 21, EU và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung, tái khẳng định ủng hộ đa phương, nhất trí tăng cường hợp tác và tái khẳng định cam kết ủng hộ cơ chế đa phương, đặt mục tiêu hoàn tất Thỏa thuận Đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc trong năm 2020, phá vỡ thế “tiến thoái, lưỡng nan” bấy lâu nay, tăng cường hợp tác giữa hai bên và tạo động lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU.

EU - Trung Quốc đã tiến triển trong hợp tác về mạng 5G; cam kết thực thi Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, ba trụ cột trong hệ thống Liên Hợp Quốc gồm hòa bình, an ninh, phát triển và nhân quyền; phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, trong đó nòng cốt là WTO. EU - Trung Quốc cũng tái khẳng định cam kết hợp tác chung trong việc cải tổ WTO.

Trung Quốc là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của EU, vì vậy EU cần “bắt tay” để có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Không chỉ là khía cạnh kinh tế, tăng cường quan hệ với EU cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực vốn là đồng minh hàng đầu của Mỹ. Đây sẽ yếu tố có lợi cho Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh chiến lược vị thế siêu cường hàng đầu thế giới với Mỹ.

Trong khi đó, Washington muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Bắc Kinh, đặc biệt là Chiến lược “Made in China 2025”, cũng như Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đồng thời, kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại các khu vực trên thế giới trong đó có châu Âu. Việc Trung Quốc và EU đạt được thỏa thuận mới chắc chắn khiến Washington không vừa lòng.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, động thái áp thuế của Mỹ đối với hàng hóa EU chỉ khiến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU leo thang, có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại lớn hơn./.

 Nguyễn Nhâm/VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết