Laocaitv.vn - Điều kiện đàm phán phía Iran vừa đưa ra trước hết là mức xuất khẩu dầu phải ngang với trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Laocaitv.vn - Điều kiện đàm phán phía Iran vừa đưa ra trước hết là mức xuất khẩu dầu phải ngang với trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 14/7 tuyên bố, Iran sẵn sàng đàm phán với Mỹ “hôm nay, ngay bây giờ và ở bất cứ nơi đâu”, nhưng chỉ với điều kiện các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này phải được dỡ bỏ và Mỹ quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân. Nhà lãnh đạo Iran bất ngờ để ngỏ cánh cửa đàm phán với Mỹ giữa lúc đối đầu giữa hai bên leo thang tới đỉnh điểm, với việc cả hai đều đang hành động quyết liệt nhằm buộc đối phương phải thay đổi cách hành xử của mình.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Al Jazeera
Điều kiện đàm phán phía Iran vừa đưa ra trước hết là mức xuất khẩu dầu phải ngang với trước khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận mà nước Cộng hòa Hồi giáo đã ký với các cường quốc thế giới, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Chung toàn diện (JCPOA).
Trong bài phát biểu ngày 14/7, Tổng thống Iran Rouhani đã lên tiếng ca ngợi việc Iran có thể chống đỡ trước các lệnh trừng phạt từ Mỹ suốt nhiều tháng qua, cho rằng sức ép của Mỹ với Iran là "vô tác dụng".
“Mọi nỗ lực của Mỹ để gây sức ép với Iran trong 14 tháng qua, cho dù đó là thông qua các biện pháp xã hội, chính trị hay pháp lý nào thì tất cả đều dẫn tới đến thất bại”, ông Rouhani nói.
Theo nhà lãnh đạo Iran, người dân quốc gia Hồi giáo anh hùng, cảnh giác và kiên định đã vững vàng khi hứng chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Rouhani nhấn mạnh thêm rằng, Mỹ cũng không thể đặt ra chương trình nghị sự chống Iran trong Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Ngoài ra, ông Rouhani còn đưa ra dẫn chứng về cuộc họp khẩn cấp còn chưa ngã ngũ do cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm giám sát vấn đề hạt nhân tổ chức hôm 10/7 vừa qua đã minh chứng rằng cộng đồng quốc tế luôn bảo vệ, đứng về phía Iran.
Đại sứ Iran tại Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Kazim Gharib Abadi cũng khẳng định, tất cả các hoạt động hạt nhân của Iran đều nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế: “Chúng tôi đang sản xuất plutoni. Các bạn đều biết rằng việc làm giàu urani không bị cấm theo hiệp ước không phổ biến vũ khí. Đây là quyền của mọi thành viên tham gia hiệp ước và cả với Iran. Những gì chúng tôi làm đều minh bạch, nằm dưới sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Các thanh sát viên đã có mặt ở đây và mọi hoạt động đều bị giám sát. Chúng tôi không có gì phải giấu diếm.”
Trước tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các nước lớn trong Liên minh Châu Âu kêu gọi một cuộc họp khẩn nhằm giải quyết vấn đề. Các cường quốc châu Âu dù không ủng hộ các lệnh trừng phạt mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với Iran, nhưng không có cách nào giúp Iran tránh được các chế tài này.
Pháp, Anh và Đức - các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015 – vừa bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng ở khu vực Vùng Vịnh và nguy cơ thỏa thuận hạt nhân có thể sụp đổ. Tuyên bố chung được văn phòng của Tổng thống Pháp vừa đưa ra nêu rõ, đã đến lúc các bên liên quan phải hành động có trách nhiệm, tìm cách ngăn chặn leo thang căng thẳng và tiếp tục đối thoại.
Đến nay, cả Mỹ và Iran đều ngoài miệng nói muốn tránh chiến tranh, song hành động cứng rắn của mỗi bên vẫn cho thấy mối quan hệ sóng gió giữa hai bên không dễ gì hóa giải trong phút chốc. Hiện cũng không thể loại trừ khả năng những quyết định tồi tệ, thiếu tính toán của chính Mỹ và Iran sẽ tiếp tục đẩy hai bên đứng bên bờ vực của một cuộc chiến không khoan nhượng với những hậu quả chưa thể lường trước được./.
Phương Anh/VOV1
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết