Laocaitv.vn - Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có "giải pháp cấp bách để điều tiết giá" thông qua cơ chế đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá.
Laocaitv.vn - Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có "giải pháp cấp bách để điều tiết giá" thông qua cơ chế đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hoá do Nhà nước định giá.
Chia sẻ với phóng viên VOV2 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV vào chiều 27/5, đại biểu Phạm Văn Hoà, Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dư luận, đặc biệt là phụ huynh học sinh quan tâm đến việc giá sách giáo khoa tăng, ngoài chi phí học thì chi phí mua sách giáo khoa cũng là khoản không nhỏ.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa
“Việc tăng giá sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tính đúng, tính đủ. Cần nêu rõ lí do vì sao tăng, chi phí đầu vào của sách giáo khoa tăng không, có hợp lý không? Chuyện tăng giá sách giáo khoa là việc quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng cần có sự vào cuộc của Bộ Tài chính. Tôi nghĩ nếu có sự giám sát của Bộ Tài chính thì việc loạn giá sẽ hạn chế""- Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ quan điểm.
Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách đã kê khai.
Hiện có 7 nhà xuất bản đăng ký bổ sung chức năng xuất bản sách giáo khoa. Tuy nhiên, việc các nhà xuất bản kê khai giá như hiện nay có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là gia đình khó khăn.
Sách lớp 1 trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Điều này dẫn đến tình trạng đầu mỗi năm học, phụ huynh lại phản ứng về chi phí mua sách cho con. Năm nay, thông tin bộ sách giáo khoa lớp 3, 7 và 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cao gấp 2-3 lần so với giá sách hiện hành đã gây tâm lý bất ổn cho nhiều người.
“Tôi nghĩ rằng Quốc hội cũng cần xem xét Luật Giá hiện nay bất cập hay không. Theo tôi là bất cập, nếu Bộ Tài chính không tham gia vào quản lý giá mà để các bộ ngành tự ban hành giá. Tất yếu họ sẽ thường bảo vệ quyền lợi của chính bộ ngành đó. Đây là vấn đề mang tính cục bộ, nên giá phải có sự quản lý của nhà nước và Bộ Tài chính cần tham gia...”
Tuy nhiên khi sách giáo khoa nằm trong danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá thì việc quy định mức trần giá sách giáo khoa phải “tính đúng, tính đủ” trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí tiêu chuẩn bộ sách và đơn giá hiện hành, không để thiệt thòi cho những người in sách cho những người soạn ra bộ sách giáo khoa - Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
Theo Phạm Trang/VOV2
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết