Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI 2017: Việt Nam có tín hiệu tích cực

16:04 22-02-2018 | :609

Laocaitv.vn - Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, năm 2017, Việt Nam đạt 35/100 điểm, thể hiện những tín hiệu tích cực trong nỗ lực PCTN của Việt Nam.

Ngày 22/2, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công.

chi so cam nhan tham nhung cpi 2017 viet nam co tin hieu tich cuc hinh 1

Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu. Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, cho rằng, việc tăng nhẹ điểm CPI trong hai năm liên tiếp (2016-2017) là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI, trong đó 0 là tham nhũng nghiêm trọng và 100 là rất trong sạch, vấn đề tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng. Kết quả này cũng tái khẳng định đánh giá của Đảng và Nhà nước về tình trạng tham nhũng tại Việt Nam: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân”.

Năm 2016, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm, điểm số của Việt Nam tăng nhẹ (tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 trong suốt các năm từ 2012 đến 2015).

Năm 2017, với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước, công tác PCTN trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về PCTN như tiến hành sửa đổi Luật PCTN hiện hành theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. 

Để có thể “giảm đáng kể mọi loại hình tham nhũng và hối lộ” đến năm 2030, theo Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.

Cụ thể, đối với Nhà nước, cần nâng cao tính hiệu quả trong công tác giám sát của Quốc hội và tính độc lập trong xét xử của các cơ quan Tư pháp.

Đẩy mạnh nỗ lực PCTN trong các lĩnh vực người dân thường xuyên phải đối mặt với hối lộ và tham nhũng (cảnh sát, y tế công và giáo dục công).

Mở rộng không gian xã hội dân sự, thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội ngoài nhà nước tham gia vào quá trình ra quyết định và giám sát các hoạt động quản lý nhà nước. 

Hoàn thiện cơ sở pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng nhằm khuyến khích sự tham gia của người dân và cộng đồng vào công tác PCTN.

Ra đời năm 1995, chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) được công bố thường niên, là chỉ số uy tín đứng đầu thế giới về tham nhũng trong khu vực công thông qua việc xếp hạng các quốc gia trên thế giới. 

Hướng tới Minh bạch (TT) là cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, hoạt động với mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Theo VOV.VN


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết