Chuẩn bị toàn diện cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

06:59 26-01-2018 | :561

Laocaitv.vn - Từ tháng 3-1964, các đồng chí: Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp chỉ đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (SG-GĐ) xây dựng “Kế hoạch X”, tức là tiến công quân sự một số mục tiêu quan trọng kết hợp nổi dậy của quần chúng, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch. “Kế hoạch X” đang chuẩn bị thì Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” cho nên không thể thực hiện được, nhưng đây là điều kiện chuẩn bị toàn diện cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy (TTC-ND) Xuân Mậu Thân 1968…

Theo Lịch sử Quân sự TP Hồ Chí Minh, chỉ trong nửa năm 1965, Quân khu SG-GĐ đã xây dựng được lực lượng chín nghìn chiến sĩ chủ lực, quân địa phương, dân quân du kích, quân trong nội đô - Biệt động Sài Gòn (BĐSG). Lần mở hồi ký của cố Anh hùng LLVTND, Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), nguyên Tư lệnh BĐSG, được biết BĐSG thành lập nhằm thực hiện “Kế hoạch X”, lấy biệt hiệu F100. Trong Tết Mậu Thân 1968, BĐSG với 88 người, chia làm năm cánh, đã thực hiện một số trận đánh làm rúng động thế giới.

Cựu BĐSG Trần Văn Hiếu (Đội 67A, Phân khu Gò Môn) kể về trận đánh tiêu biểu của ông vào Cư xá sĩ quan không quân Mỹ trên đường Ngô Tùng Châu năm 1966… “Hôm đó, thấy chúng tiệc tùng, tôi chạy về mượn chiếc xe mô-bi-lết, rồi lấy hai trái lựu đạn bỏ vào lọ thủy tinh. Khoảng sáu giờ chiều, tôi ghé xe sát bờ tường cư xá, khi còn cách 5 m, tôi rút chốt tung lựu đạn qua tường. Tiếng nổ kinh hoàng. Hôm sau, báo chí Sài Gòn đưa tin “Việt cộng đánh thương vong 14 sĩ quan Mỹ”.

Đồng chí Hà Tăng, nguyên Trưởng ban Hoa vận T4 kể: “Năm 1967, Ban Hoa vận T4 thành lập năm ban cán sự trực thuộc, gồm: Ban Cán sự quân sự, Ban Cán sự công vận, Ban Cán sự học vận, Ban Cán sự xóm lao động và Ban Cán sự tư sản vận - kinh tài. Ngoại trừ Ban Cán sự tư sản vận - kinh tài, cả bốn ban cán sự còn lại đều có đội vũ trang và đội vũ trang tuyên truyền. Ở các nhà máy đều có chi bộ đảng và tổ chức chi hội công nhân người Hoa tham gia các phong trào đấu tranh. Từ những cuộc đấu tranh đó, phong trào dần lớn mạnh, dẫn đến sự ra đời của các nghiệp đoàn như: Nghiệp đoàn Xà bông Trương Văn Bền, Nghiệp đoàn Rượu Bình Tây, Nghiệp đoàn Pin Viễn Đông”.

Nhớ lại những ngày khói lửa, nữ chiến sĩ người Hoa Dư Huệ Liên bồi hồi: “Địch kìm kẹp, kiểm soát rất gắt gao cho nên chúng tôi vừa kiên trì, vừa mạo hiểm chuyển từng khẩu súng ngắn, từng quả lựu đạn từ căn cứ vào thành phố. Tôi nhớ Hắc Muối, nữ đồng chí có chồng bị tật nguyền, bản thân có mang nhưng vẫn chuyển từng ký thuốc nổ vào nội thành. Một số đồng chí đã sáng tạo, tìm tòi, nghiên cứu chế tạo thùng xe tải hai đáy, chuyển sáu tấn thuốc nổ và một số súng AK, cối 60 ly và B40 về Sài Gòn. Nhiều người Hoa đã tự nguyện dùng ngay căn nhà của mình làm nơi cất giữ vũ khí, che giấu cán bộ. Có đồng chí bị địch bắt giam, bị tra khảo, vẫn kiên quyết không khai báo… Trong Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968, 235 chiến sĩ là người Hoa đã hy sinh”.

Chuẩn bị cho Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng An ninh T4 còn tuyển chọn hàng nghìn tân binh sẵn sàng tham gia các mũi tiến công và dẫn đường cho quân ta tiến vào thành phố. Trên mặt trận liên lạc kỹ thuật, bộ phận cơ yếu ngày đêm giữ vững mạng liên lạc mật mã được thông suốt giữa an ninh SG-GĐ với Khu ủy và Trung ương Cục. Đồng chí Lê Việt Bình, Trưởng Ban liên lạc Trinh sát vũ trang, thuộc lực lượng An ninh T4, hồi tưởng: “Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trinh sát vũ trang đều vào sống và chiến đấu trong vùng địch kiểm soát. Chúng tôi phải tự tạo thế hợp pháp về giấy tờ, nhà ở, thân thế và đóng nhiều vai như: giáo viên, sinh viên, người đạp xe xích-lô, thợ cắt tóc để hoạt động. Thậm chí, có người còn giả làm công chức, cảnh sát hay lính ngụy để có thể di chuyển trên mọi nẻo đường trong nội thành nhằm dễ dàng tiếp cận các mục tiêu”.

Chìa cánh tay có xăm dòng chữ “sát cộng” mà giới thủy quân lục chiến ngụy ưa thích, chiến sĩ điệp báo An ninh T4 Nguyễn Văn Nớp, xúc động: “Tôi phải thâm nhập, phải xăm mình, phải tập hút thuốc, nhảy đầm, uống rượu… để moi tin. Rất nhiều tin chúng tôi thu thập được đã giúp đồng đội bên trinh sát vũ trang đánh những trận làm bạt vía kẻ thù. Nhiều đồng chí như Ngô Diệm Khôn (Út Cường) còn tiến hành địch vận làm cả một tiểu đội địch quay về với cách mạng”.

Lịch sử Quân sự TP Hồ Chí Minh ghi: Cuối năm 1967, trong nội đô Sài Gòn đã xây dựng được 19 lõm chính trị, bao gồm 325 gia đình, 11 cơ sở ém vũ khí, 13 cơ sở khác có hầm chứa vũ khí phục vụ các trận đánh quan trọng như: Hầm 287/70 Phan Đình Phùng, do Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) xây dựng; hầm 438/58 đường Lê Văn Duyệt, do vợ chồng Lê Tấn Quốc (Bảy rau muống) xây dựng; hầm 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cách Đài Phát thanh Sài Gòn gần 100 m, do Trần Phú Cương (Năm Mộc) xây dựng.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 cho biết, cuối năm 1967, Ban Phụ vận Thành ủy đã bố trí những cán bộ có kinh nghiệm gây dựng cơ sở nòng cốt, chuẩn bị địa điểm trú ém quân tại chỗ và bảo đảm hành lang cho các đơn vị bộ đội tiến vào nội đô; chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, biểu ngữ, truyền đơn cho cuộc nổi dậy. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Phụ vận, những đội quân tóc dài từ làng xóm ven đô đã kéo vào trong thành phố. Sáng 29 tháng Chạp, nhiều nữ chiến sĩ đóng giả là người đi chợ Tết để vào nội thành rồi ở lại. Cùng với phong trào phụ nữ, phong trào của trí thức, học sinh, sinh viên cũng diễn ra rầm rộ, như đêm văn nghệ “Mừng Tết Quang Trung”, thu hút 12 nghìn sinh viên tham gia.

Trên mặt trận văn hóa, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh Trương Thị Hiền kể: “Trước Tết Mậu Thân, nhiệm vụ chủ yếu của trường lúc này là bồi dưỡng cho cán bộ về đường lối, nhiệm vụ cách mạng. Năm 1966-1967, chiến tranh khốc liệt, trường phải di chuyển đến khu vực giáp Cam-pu-chia, nhưng vẫn liên tiếp mở ba lớp nghiên cứu Nghị quyết Bình Giã I, mỗi lớp có khoảng 50 học viên là cán bộ sáu phân khu, kịp thời cung cấp một thế hệ cán bộ được đào tạo cho cách mạng về sau”…

Kịch bản TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968 là: Lực lượng BĐSG bất ngờ áp sát, tiến công các mục tiêu được phân công. Tiếp đó, các lực lượng trong nội thành sẽ tiếp ứng, các tiểu đoàn mũi nhọn bên ngoài thành phố thọc sâu vào chiếm giữ các mục tiêu. Cuối cùng, quân chủ lực tiến công tiêu diệt địch, giành chính quyền, thành lập ban quân quản cách mạng… Theo Phòng Khoa học quân sự (Quân khu 7), trên thực tế, toàn bộ các trận tập kích của BĐSG với đối phương đều ở thế chênh lệch quân số hàng trăm lần. Mặc dù vậy, dựa vào ưu thế bất ngờ và tinh thần dũng cảm, nhiều mục tiêu đã bị BĐSG chiếm giữ trong nhiều giờ liền.

Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhận định, Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968 ở khu vực SG-GĐ tuy không đạt được đầy đủ mục tiêu đề ra, song đã tiêu hao một lực lượng lớn Mỹ-ngụy, tạo cục diện mới ở miền nam theo hướng “chuyển chiến tranh cách mạng sang thời kỳ tổng tiến công và nổi dậy”; khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của lực lượng BĐSG; khẳng định lòng yêu nước của nhân dân miền nam và SG-GĐ. Bài học kinh nghiệm từ Cuộc TTC-ND Xuân Mậu Thân 1968 đã giúp Đảng ta nhận thức thấu đáo hơn về thực tế chiến trường, tương quan lực lượng và đã đề ra chủ trương thích hợp, tiến tới Đại thắng mùa Xuân năm 1975…

Theo Báo Nhân dân điện tử


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết