Mỹ, Triều Tiên cần hành động cụ thể trong vấn đề hạt nhân và hòa bình

15:40 09-08-2018 | :720

Laocaitv.vn - Phía Triều Tiên hối thúc Mỹ tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, còn phía Mỹ muốn Triều Tiên nhanh chóng thực hiện phi hạt nhân hóa.

Trong một nỗ lực được cho là hướng tới cụ thể hóa các hành động vì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, CHDCND Triều Tiên hôm nay (9/8) hối thúc Mỹ nhất trí tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, cho rằng điều này sẽ mang lại hòa bình và tạo dựng lòng tin giữa các bên.

my va trieu tien can hanh dong thiet thuc trong van de hat nhan va hoa binh hinh 1
 
Quốc kỳ Mỹ và Triều Tiên. Ảnh: Israel National News.

Trong khi đó, phía Mỹ có vẻ như cũng “sốt sắng” để thấy những hành động thực tế của Bình Nhưỡng trước cam kết phi hạt nhân hoá hoàn toàn trên bán đảo này.

Một bài bình luận đăng trên tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên nhấn mạnh, đã đến lúc Mỹ cần hành động để đi đến tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên như bước tiến đầu tiên hướng tới một nền hòa bình và đảm bảo an ninh. 

Mặc dù chủ yếu mang tính tượng trưng, nhưng một tuyên bố kết thúc chiến tranh cũng được xem là tiền đề để thay thế Hiệp định Đình chiến hiện nay bằng một hiệp định hòa bình, giúp chấm dứt chiến tranh, xây dựng nền hòa bình vững chắc, lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Mỹ thì tỏ ra thận trọng và có vẻ như đang “nóng lòng” muốn thấy những tiến bộ của Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Cho rằng “quả bóng đã hoàn toàn ở trong sân Triều Tiên”, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley hôm 8/8 khẳng định, Mỹ sẵn sàng chờ đợi Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hoá nhưng lưu ý không phải trong thời gian quá dài.

Tuyên bố này như lời nhắc nhở gửi Triều Tiên khi nước này được cho vẫn chưa thực hiện các bước đi cần thiết để phi hạt nhân hóa sau thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên hồi tháng 6 vừa qua.

Phía Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục gây sức ép cho đến khi đạt được mục tiêu phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Điều mà Mỹ cần thấy nhất lúc này chính là những hành động thiết thực từ Triều Tiên trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ- Triều Tiên, việc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai bên gần như không đạt kết quả cụ thể nào. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn tin tưởng rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ làm tốt những cam kết của mình về tiến trình phi hạt nhân, nhưng kết quả hữu hình nhất đạt được từ sau hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua tới nay mới chỉ dừng ở việc Triều Tiên trao trả hơn 50 bộ hài cốt binh lính Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Trong khi đó, các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ thời gian qua gần như vẫn “giậm chân tại chỗ”, khi lộ trình giải trừ hạt nhân mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất nhiều lần bị phía Triều Tiên bác bỏ. Mặc dù vậy, phía Mỹ dường như vẫn kiên quyết sẽ không từ bỏ hoặc làm chệch hướng mục tiêu trong các cuộc đàm phán nhằm giải giáp chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Quyết tâm này của Mỹ được giới chức Liên Hợp Quốc hết sức ủng hộ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 8/8 bày tỏ tin tưởng rằng các cuộc đàm phán Mỹ- Triều sẽ đem lại kết quả tích cực: “Tôi hoàn toàn ủng hộ các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên với mục tiêu là tất cả chúng ta có thể chứng kiến quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng, để Triều Tiên có thể là một thành viên bình thường của cộng đồng quốc tế trong khu vực này.”

Rõ ràng, tương lai hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đang phụ thuộc rất nhiều vào từng hành động cụ thể của cả Mỹ và Triều Tiên, đặc biệt trong việc theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa trên Bán đảo này. Nhưng có lẽ lời hứa vẫn cần đi đôi với những hành động cụ thể. Và dù vẫn biết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên sẽ là quá trình dài với các vòng đàm phán tốn nhiều thời gian, tâm sức, dẫu sao cộng đồng quốc tế vẫn đang rất trông đợi rằng thiện chí của các bên cùng với nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của quốc tế sẽ tạo cơ hội mới cho tương lai hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên./.

Phương Anh/VOV1

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết