Bắc Hà – nhiều khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn

09:18 18-11-2017 | :1239

Laocaitv.vn - Là địa phương có thế mạnh về phát triển du lịch – dịch vụ, những năm qua, lượng khách trong và ngoài nước đến với Bắc Hà tăng nhanh, chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm được huyện coi trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực này hiện đang gặp nhiều khó khăn do nhận thức của bà con cũng như các điều kiện phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn, ngộ độc thực phẩm.

Gia đình ông Vàng Seo Tráng - thôn Quán Sín Ngài, xã Bản Phố - huyện Bắc Hà vốn có nghề nấu rượu ngô từ nhiều đời, bản thân ông đã có kinh nghiệm hơn 40 năm nấu rượu ngô theo phương thức truyền thống của cha ông truyền lại. Mặc dù trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường hàng 100 lít rượu gồm bán cho khách du lịch và bán buôn, nhưng Ông Tráng hoàn toàn tự tin với sản phẩm rượu truyền thống của gia đình khi được chưng cất bằng ngô ủ men có nguồn gốc và nguồn nước đảm bảo an toàn. Và thực tế là qua nhiều đợt kiểm tra đột xuất của ngành chức năng đều không phát hiện độc tố hay lượng Methanol trong rượu do gia đình chưng cất. Tuy nhiên, ông Vàng Seo Tráng cũng cho rằng: ông không giám chắc khi sản phẩm rượu của gia đình mình được bán lại cho tư thương sẽ an toàn, bởi rất có thể khi bán lẻ cho người tiêu dùng, họ sẽ pha trộn thêm cồn, vì nhiều khi giá bán lẻ cỏn rẻ hơn cả bán mức giá bán buôn của gia đình.

Bung ngô để nấu rượu

Rượu chỉ là 1 trong rất nhiều thức uống, đồ ăn, các mặt hàng thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm tại huyện vùng cao Bắc Hà. Thống kê cho thấy, toàn huyện Bắc Hà có 655 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện: những năm gần đây, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm đã được huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường truyền thông cũng như kiểm tra, giám sát trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận bà con hạn chế, một bộ phận người dân vẫn lạm dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; quy mô sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, hoạt động của các chợ, đặc biệt là chợ ở vùng cao khó kiểm soát, trong khi chế tài xử phạt hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe… tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm. Trong tổng số gần 800 cơ sở được kiểm tra từ đầu năm đến nay, có trên 90 cơ sở vi phạm hành chính liên quan đến mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú là từ đầu năm đến nay, toàn huyện xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm và 1 sự cố, trong đó, vụ ngộ độc tập thể do ăn tiệc cưới xảy ra tại xã Na Hối với 73 người mắc; sự cố sinh hoạt do ăn nhầm chất thông cống CTE tại trường Tiểu học xã Bản Già làm 5 học sinh mắc phải nhập viện. Cũng theo đánh giá của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện Bắc Hà, bên cạnh nhận thức của bà con còn hạn chế thì một số tục lệ như: ăn tiết canh, quả rừng, nấm rừng… là những nguyên nhân trực tiếp gây ngộ độc thực phẩm. Còn đối với lực lượng chức năng, bất cập lớn nhất hiện nay đó là thiếu cán bộ chuyên ngành, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra thực phẩm chưa đồng bộ, hầu hết chỉ quan sát bằng mắt thường. Cùng với đó, việc phối hợp giữa 3 ngành Công thương, Y tế và Nông nghiệp chưa được chặt chẽ, trong khi địa bàn hoạt động khá rộng và phân tán. Đây là những thách thức lớn đặt ra cho vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Vụ ngộ độc tập thể do ăn tiệc cưới xảy ra tại xã Na Hối khiến 73 người nhập viện (Ảnh: Báo Lào Cai)

Kiểm tra nông độ methanol tại một cơ sở kinh doanh rượu (Ảnh: Báo Lào Cai)

Tại thị trấn huyện Bắc Hà, với trên 50 nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch, tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Từ đội ngũ cán bộ chuyên môn thiếu, trang thiết bị phục vụ thiếu và không đồng bộ đến công tác phối kết hợp còn vướng mắc nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Thực tế cho thấy, không riêng Bắc Hà mà ở hầu hết các địa phương, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm hiện đang gặp nhiều bất cập vướng mắc từ chính quy định của các bộ, ngành quản lý. Điển hình như là địa phương có tý lệ hộ gia đình nấu rượu thủ công rất lớn, tuy nhiên, gần như hầu hết các hộ sản xuất của Bắc Hà đều không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sản xuất nên sản phẩm cho hộ dân không được đăng ký tem, nhãn mác; việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chợ phiên, các điểm bán hàng tự phát là rất khó khăn. Đây đều là những trở ngại lớn, đòi hỏi Ban chỉ đạo An thực phẩm huyện, lực lượng liên ngành  và cấp ủy, chính quyền cơ sở phải có giải pháp đồng bộ, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh, hạn chế thấp nhất ngộ độc thực phầm, bảo vệ sức khỏe người dân./.

Phương Liên

 


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết